Trong những năm tháng đầu đời, trẻ sơ sinh rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Đặc biệt là sổ mũi, viêm mũi. Bởi vậy, rửa mũi cho trẻ là kỹ năng chăm sóc cần thiết mà cha mẹ nào cũng cần nắm rõ. Việc làm này sẽ giúp bảo vệ đường thở của bé, loại bỏ gỉ mũi, dịch nhầy, không chỉ khiến con trẻ cảm thấy dễ chịu hơn mà còn cải thiện triệu chứng các bệnh về mũi.
Tuy nhiên, đa số các ông bố bà mẹ đều thực hiện theo cảm tính chứ chưa nắm rõ quy trình làm sạch mũi cho trẻ đúng cách. Nhiều người còn mắc phải những sai lầm phổ biến gây sợ hãi cho em bé, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Rửa mũi cho trẻ sơ sinh có tác dụng gì?
- Tăng cường lưu thông đường thở, giúp trẻ thấy dễ chịu hơn
- Làm sạch khoang mũi, loại bỏ bụi bẩn, dị vật và vi khuẩn gây hại
- Cải thiện các triệu chứng và phòng ngừa bệnh mũi họng
- Giúp phát huy hiệu quả của việc dùng thuốc
- Cải thiện khả năng tự làm sạch của hệ thống hô hấp, giảm kích ứng và tăng sức đề kháng của mũi
Sai lầm thường gặp khi rửa mũi cho trẻ sơ sinh
Sai lầm 1: Dùng xi lanh rửa mũi cho trẻ
Sử dụng xi lanh để rửa mũi cho con là cách được nhiều phụ huynh áp dụng. Tuy nhiên ít ai nhận thức được mức độ nguy hiểm của việc làm này. Khi bơm trực tiếp nước từ xi lanh vào mũi trẻ dễ khiến trẻ bị sặc, nước chảy ngược xuống hệ hô hấp vào phổi. Lý do là dụng cụ này có áp lực cao, khi bơm khó chính xác. Chưa kể đến nhiều người dùng loại xi lanh đầu nhọn, sắc hay bơm nước quá mạnh cũng làm tổn thương niêm mạc mũi của trẻ, làm trẻ dễ bị chảy máu mũi, phù nề niêm mạc mũi. Vì thế mà tình trạng ngạt mũi, viêm mũi càng kéo dài.
Sai lầm 2: Dùng tăm bông vệ sinh mũi cho trẻ
“Mũi của trẻ sơ sinh còn tương đối ngắn và nhỏ, lỗ mũi và ống mũi hẹp. Niêm mạc mũi mỏng, mịn, chức năng hàng rào niêm mạc mũi còn yếu. Việc hô hấp bằng đường mũi còn hạn chế.” Nếu cho tăm bông vào lỗ mũi sẽ cản trở đường thở của trẻ. Hơn nữa nếu tác động mạnh sẽ có nguy cơ làm hỏng lớp lót khoang mũi, là lớp màng nhầy có chứa nhiều mạch máu. Ngoài tâm bông cũng không được dùng bất cứ vật gì chèn vào lỗ mũi của trẻ.
Sai lầm 3: Không rửa tay trước khi vệ sinh mũi cho trẻ
Nhiều cha mẹ thường bỏ quên hoặc chủ quan, coi nhẹ việc rửa tay trước khi chăm sóc trẻ. Sự thật đôi tay bạn lại là nguồn lây nhiễm vi khuẩn, virus khiến chúng xâm nhập vào khoang mũi của trẻ, làm cho các bệnh đường hô hấp nghiêm trọng hơn.
Sai lầm 4: Ép trẻ nằm rửa mũi
Đây là sai lầm khi vệ sinh mũi cho trẻ rất nhiều bà mẹ mắc phải. Việc đè ép, giữ tay chân trong khi trẻ kêu la, gào khóc càng làm cho các bé quấy hơn và hình thành tâm lý lo sợ, ám ảnh. Khi trẻ như vậy thì các thao tác rửa mũi cũng nhiều rủi ro hơn, trẻ dễ bị sặc ngược vào trong phổi.
Nhiều mẹ khi rửa mũi cho con thường ép trẻ nằm nghiêng, xịt mạnh nước vào mũi khiến bé bị sặc. Lúc đó bắt buộc trẻ phải có phản ứng tự nhiên là ho hoặc nuốt vào. Thời điểm này nước dễ tràn lên tai, nguy cơ gây viêm tai giữa, ảnh hưởng thính lực, thậm chí là điếc.
Sai lầm 5: Không làm sạch chất nhầy khi rửa mũi cho trẻ
Nguyên tắc khi rửa mũi cho trẻ sơ sinh đó là phải làm sạch bụi bẩn, gỉ mũi, chất nhầy hoặc các dị vật trong mũi. Nhiều chị em chỉ rửa mũi cho con rồi lấy giấy lau, thấm hút bên ngoài trong khi dịch mũi bên trong vẫn ứ đọng, tích tụ sẽ càng làm bệnh nặng thêm.
Sai lầm 6: Xịt dung dịch rửa mũi quá nhẹ hoặc quá mạnh
Người lớn khi vệ sinh mũi họng cho trẻ đa số là dựa vào cảm quan, ít người có chuyên môn hoặc biết xịt rửa mũi với lực phù hợp. Việc xịt quá nhẹ, không đủ lượng dung dịch sẽ khiến các chẩn bẩn trong mũi không được tống khứ hết ra ngoài. Ngược lại nếu xịt quá mạnh sẽ làm tổn thương niêm mạc mũi của trẻ, khiến trẻ bị sặc, nước chảy vào phổi hoặc tràn sang tai.
Sai lầm 7: Hút/rửa mũi quá nhiều lần
Vệ sinh mũi cho trẻ là việc cần thiết cần thực hiện mỗi ngày. Thế nhưng nhiều bà mẹ áp dụng liên tục. Việc này vô tình lại phản tác dụng và ảnh hưởng xấu hơn tới sức khỏe của trẻ.
Nếu trong khoang mũi không có chất dịch để làm ẩm, mũi của trẻ sẽ khô và mẫn cảm hơn. Rửa mũi nhiều cũng có thể làm tổn thương niêm mạc mũi trẻ dẫn đến chứng viêm nhiễm nặng hơn.
Sai lầm 8: Dùng sai dung dịch rửa mũi cho trẻ sơ sinh
Niêm mạc mũi của trẻ em rất mỏng manh và nhạy cảm. Bởi thế đòi hỏi cha mẹ cần sử dụng dung dịch vệ sinh mũi phù hợp, dịu nhẹ và an toàn, tránh những sản phẩm chứa chất tẩy rửa mạnh, chất bảo quản sẽ dễ gây kích ứng.
Rửa mũi cho trẻ sơ sinh dùng nước gì?
Cách đơn giản và an toàn nhất khi vệ sinh mũi cho trẻ là bạn hãy dùng nước đun sôi để nguội rồi pha với muối tinh theo đúng tỷ lệ (¼ thìa cà phê muối tinh với 1 cốc nước sôi) để tạo dung dịch rửa mũi.
Ngoài ra, phụ huynh có thể mua các sản phẩm, dung dịch vệ sinh mũi phù hợp với độ tuổi của trẻ. Lưu ý ưu nên chọn sản phẩm dịu nhẹ, an toàn:
Một số sản phẩm vệ sinh mũi cho trẻ:
- Xịt Mũi Prorhinel Spray cho trẻ sơ sinh
- Dung dịch vệ sinh mũi cho bé Chekat Kid 75ml
- Nước biển sâu vệ sinh mũi cho bé Xisat hồng
- Xịt muối biển vệ sinh mũi cho bé Humer Children
Hướng dẫn rửa mũi cho trẻ sơ sinh đúng cách
Rửa mũi bằng nước muối / dung dịch vệ sinh mũi
- Đặt bé nằm xuống giường, nghiêng đầu một chút
- Đặt ống phun lọ nước muối hoặc dung dịch vào sát vách lỗ mũi của bé
- Nhỏ khoảng 2 – 3 giọt
- Lấy khăn xô mềm thấm hoặc lâu nước muối, dung dịch và chất nhầy chảy ra ngoài
Rửa mũi cho trẻ bằng ống bơm
- Giữ bé trong lòng bạn, tay giữ lấy phần ống bơm, bóp không khí ra khỏi ống
- Đặt đầu ông bơm bên trong lỗ mũi của bé, không đưa ống vào quá sâu. Thả tay và từ từ hút dịch nhầy ở mũi bé
- Đưa ống bơm ra khỏi mũi bé, sau đó dùng khăn xô hoặc khăn giấy mềm thấm hút chất dịch chảy ra ngoài
Khi nào nên rửa mũi cho trẻ sơ sinh?
- Trẻ bị tắc mũi, ngạt mũi do dịch nhầy, đờm mũi đặc quánh không thể chảy ra ngoài
- Trẻ thở khò khè do nhiều đờm, chất nhầy
- Trẻ bị viêm mũi, ngạt mũi, khó thở
- Ngoài ra thì cha mẹ cũng nên vệ sinh mũi cho trẻ hàng ngày với mức độ phù hợp
Thời điểm nên tránh rửa mũi cho trẻ
Khi trẻ bị bệnh, tiết dịch mũi nhiều bạn có thể vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh hàng ngày. Tuy nhiên cần nhớ không nên thực hiện sau khi cho trẻ bú hoặc ăn vì trẻ sẽ dễ buồn nôn, ói chớ. Thời điểm phù hợp nhất là cách bữa ăn 1 – 2 tiếng. Khi đó cơ thể trẻ cũng bớt cảm giác khó chịu khi vừa ăn no xong, cha mẹ rửa mũi cho bé sẽ thuận lợi hơn.
Nên rửa mũi cho trẻ sơ sinh ngày mấy lần?
Phụ huynh chỉ nên rửa mũi cho trẻ 2 – 3 lần/ngày. Trường hợp con bị bệnh tần suất có thể tăng lên nhưng không quá 6 lần/ngày. Cha mẹ cũng không nên lạm dụng các dung dịch vệ sinh mũi họng nhiều lần. Đặc biệt là khi bé có dấu hiệu viêm mũi vì sẽ khiến mũi con khô hơn, rát vì niêm mạc mũi tổn thương và mất đi độ ẩm.
Lời kết: Việc vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh tưởng chừng đơn giản nhưng buộc cha mẹ phải thực hiện đúng cách để đảm bảo an toàn. Quan trọng là hãy ghi nhớ những thông tin trên để tránh mắc những sai lầm thường gặp nhé!