Những năm gần đây, số lượng người mắc bệnh về gan, xơ gan, suy gan ngày càng tăng cao. Trong khi gan vốn là bộ phận vô cùng quan trọng, có chức năng thanh lọc, đào thải độc tố thì bất cứ tổn thương nào ở cơ quan này cũng gây suy kiệt sức khỏe, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bệnh xơ gan là gì?
Bệnh xơ gan là tình trạng gan bị hư hại nặng, các tế bào gan bị tổn thương liên tục trong thời gian dài khiến chúng bị chết dần đi, thay thế vào đó là các mô xơ và các nhân “tái sinh”. Chất xơ và nhân “tái sinh” ngày càng làm thay đổi cấu trúc của gan, ảnh hưởng đến chức năng và hoạt động của gan.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh xơ gan thường là do người bệnh bị nhiễm virus viêm gan B, virus viêm gan C, do uống quá nhiều bia rượu hoặc tiếp xúc nhiều với môi trường hóa chất độc hại,…
Người mắc xơ gan giai đoạn đầu thường khó phát hiện do không có triệu chứng cụ thể, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường và một phần do tâm lý chủ quan, ít đề phòng bệnh. Đa số người bệnh chỉ phát hiện khi xơ gan đã chuyển sang giai đoạn nặng. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, bệnh não gan, ung thư gan,..
4 giai đoạn của bệnh xơ gan
Giai đoạn 1
Ở giai đoạn đầu này, các tế bào gan bị tổn thương ở mức độ nhẹ. Do các tế bào gan bị viêm liên tục nên gan tự cố gắng đảo ngược lại quá trình này và hình thành sự xơ hóa. Vì thế, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, uể oải, cơ thể suy nhược, cảm giác chán ăn, ăn không ngon miệng, đầy hơi, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa,…Hầu hết những triệu chứng này chưa rõ ràng, bệnh nhân thường không chú ý. Nếu nhận biết sớm và điều trị đúng cách thì gan vẫn có thể hồi phục và trở lại như bình thường.
Giai đoạn 2
Chuyển sang giai đoạn 2, số lượng các tế bào gan bị tổn thương tăng lên. Các mô xơ hóa (mô sẹo) xuất hiện nhiều hơn và thay thế vị trí của những tế bào gan khỏe mạnh. Lúc này hoạt động của gan và chức năng đào thải độc tố bị suy giảm.
Độc tố tích tụ tại gan, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan này mà còn tác động tiêu cực đến những bộ phận, cơ quan liên quan khác trong cơ thể, gây rối loạn quá trình trao đổi chất. Ngoài những triệu chứng như ở giai đoạn đầu thì người bệnh còn thấy vàng da, móng tay, móng chân vàng hơn, nước tiểu có màu vàng sẫm, vùng da ở lòng bàn tay, bàn chân hơi vàng, sụt cân, sốt nhẹ về chiều tối,…
Giai đoạn 3
Tại giai đoạn 3, các tế bào gan đã bị tổn thương nghiêm trọng, bệnh nhân xuất hiện hiện tượng cổ trướng, thường gọi là xơ gan cổ trướng. Lượng dịch ở ổ bụng tăng nhanh, các tế bào gan đã bị xơ hóa nhiều. Lượng độc tố không được đào thải ra ngoài, tác động đến da dẫn đến viêm da, ngứa da, sụt cân nhanh, nhợt nhạt, thở nhanh, đường huyết bất thường, phù chân, mắt cá.
Ở giai đoạn này gan không thể phục hồi. Người bệnh thường được đề xuất ghép gan nhưng khó tìm được lá gan phù hợp. Nếu không ghép gan thường bệnh nhân chỉ sống được từ 3 – 5 năm phụ thuộc vào chất lượng điều trị.
Giai đoạn 4
Đây là giai đoạn cuối của bệnh xơ gan, cho thấy quá trình xơ hóa đã xảy ra toàn bộ trên gan, gan bị tổn thương hoàn toàn, chức năng gan bị tê liệt. Người bệnh mệt mỏi, rất buồn ngủ, sốt cao, viêm màng bụng, suy thận dẫn đến thiểu niệu,…Việc chữa trị lúc này chỉ nhằm duy trì sự sống cho người bệnh, gan đã mất khả năng phục hồi. Thời gian sống của người bệnh chỉ khoảng 12 tháng.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh xơ gan
Xuất huyết tiêu hóa
Các chất xơ trong gan cản trở dòng máu di chuyển qua gan làm tăng áp lực tại tĩnh mạch đồng thời dẫn đến giãn tĩnh mạch thực quản và tĩnh mạch phình dạ dày. Khi các tĩnh mạch này bị giãn quá mức sẽ bị vỡ dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, biểu hiện là nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu.
Phù chân, báng bụng
Tình trạng phù chân và tích tụ dịch ở bụng, gọi là báng bụng. Báng bụng quá lâu có thể dẫn tới nhiễm trùng dịch báng. Người bệnh bị sốt, đau bụng dữ dội, đi ngoài phân lỏng,…
Bệnh não gan
Xơ gan khiến chức năng gan suy giảm, các độc tố có hại ở ruột như khí amoniac không được đẩy ra ngoài nên đi vào trong máu, theo máu lên não và tích tụ tại não gây bệnh não gan. Người bệnh có biểu hiện rối loạn tri giác, không minh mẫn rồi hôn mê, nguy cơ tử vong rất nhanh.
Suy thận
Gan và thận là hai cơ quan đào thải độc tố quan trọng trong cơ thể và có mối liên quan trực tiếp với nhau. Vì vậy dễ hiểu khi bệnh xơ gan dẫn đến biến chứng suy thận, người bệnh tiểu ít dần và lâu ngày không thể đi tiểu được nữa.
» Xem thêm: Dấu hiệu suy thận và những nguy hiểm tiềm ẩn
Ung thư gan
Xơ gan là một trong những yếu tố hàng đầu dẫn đến ung thư gan. Khối u hình thành trong gan gây đau tức vùng dưới sườn phải. Người bệnh bị sụt cân nhanh chóng, người mệt mỏi, kiệt sức, thậm chí là xuất huyết ổ bụng do khối u bị vỡ.
» Xem thêm: Ung thư gan: nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa
Cách ngăn ngừa các biến chứng của bệnh xơ gan
- Không uống rượu bia, đồ uống có cồn, không hút thuốc lá hay sử dụng chất kích thích
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: ăn nhạt, hạn chế muối, hạn chế thức nhanh và thức ăn nhiều dầu mỡ…
- Tập thể dục thường xuyên, rèn luyện nâng cao sức khỏe
- Uống thuốc điều trị đúng liều lượng, đúng phác đồ và hướng dẫn của bác sĩ
- Kết hợp sử dụng sản phẩm bổ gan, tăng cường chức năng gan
- Tham khảo: Top 8 thuốc bổ gan được đánh giá tốt nhất, an toàn nhất năm
Lời kết
Xơ gan là một trong những bệnh lý về gan phổ biến nhất và có xu hướng mắc phải tăng cao. Bệnh gây ra nhiều tác động tiêu cực, suy kiệt sức khỏe và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đa số bệnh nhân thường phát hiện muộn khi xơ gan đã chuyển sang giai đoạn nặng, dẫn đến những biến chứng khôn lường. Bởi vậy, mọi người cần xây dựng lối và chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, có ý thức tự bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật để tránh những điều đáng tiếc.