Nhiệt độ bình thường của trẻ sơ sinh thường thấp hơn người lớn do cơ chế tự điều hòa thân nhiệt còn hoạt động kém. Chỉ một tác động nhỏ cũng có thể là mất nhiệt hoặc tăng nhiệt rất nhanh. Chính vì điều này nên cha mẹ cần chú ý theo dõi nhiệt độ cơ thể của trẻ thường xuyên để nắm rõ tình trạng sức khỏe và chăm sóc con tốt nhất.
Nhiệt độ bình thường của trẻ sơ sinh là bao nhiêu?
Nhiệt độ cơ thể là một trong những yếu tố phản ánh rõ nhất tình trạng sức khỏe, đặc biệt là với trẻ sơ sinh. Do đó, theo dõi nhiệt độ cơ thể của trẻ là điều quan trọng và cần thiết hàng ngày.
Theo các chuyên gia, thân nhiệt bình thường của trẻ sơ sinh luôn thấp hơn từ 1 – 1.5ºC so với người lớn. Sự thay đổi nhiệt độ của trẻ tùy thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian, thời tiết trong ngày, các yếu tố tác động khác,…
Nhiệt độ bình thường của trẻ sơ sinh trung bình khoảng 36.5 – 37.5ºC. Trên mỗi vùng cơ thể khác nhau cũng có sự chênh lệch nhiệt từ 1 – 2 độ. Trung bình:
- Nhiệt độ ở trực tràng (hậu môn) khoảng 36,6 – 38ºC
- Nhiệt độ ở miệng khoảng 35,5 – 37,5ºC
- Nhiệt độ ở nách là 34,7 – 37,3ºC
- Nhiệt độ đo ở tai khoảng 35,8 – 38ºC
Trẻ sơ sinh bao nhiêu độ là sốt?
Thân nhiệt của con người được kiểm soát bởi vùng hạ đồi của não. Bộ phận này điều chỉnh thân nhiệt bằng cách cân bằng giữa sự sinh nhiệt của các cơ và gan với sự mất nhiệt qua da và phổi. Hiện tượng sốt xảy ra khi vùng hạ đồi làm tăng nhiệt độ cơ thể.
- Nhiệt độ của trẻ sơ sinh khoảng 37,5 – 38ºC được xem là sốt nhẹ
- Nhiệt độ khoảng 38 – 39ºC là sốt cao
- Trường hợp thân nhiệt của trẻ tăng trên 40ºC kèm theo các dấu hiệu co giật cần đưa đến bệnh viện nhanh chóng để được cứu chữa kịp thời
Nguy hiểm khi trẻ sơ sinh bị hạ thân nhiệt
Thân nhiệt của trẻ sơ sinh cao hơn hay thấp hơn so với mức nhiệt bình thường đều đáng lo ngại. Trường hợp cơ thể trẻ bị mất nhiệt cũng nguy hiểm không kém so với khi bị sốt.
Dấu hiệu của tình trạng hạ thân nhiệt:
- Nhiệt độ cơ thể giảm
- Bàn tay, bàn chân lạnh, tím tái
- Cứng cơ
- Hạ huyết áp
- Rối loạn nhịp thở. Khi thân nhiệt trẻ giảm dưới 34ºC, bé có thể bị ngừng thở
- Trường hợp nhiệt độ cơ thể giảm dưới 28ºC có thể dẫn đến hôn mê, đồng tử giãn, mất phản xạ với ánh sáng
Cách lấy nhiệt độ cơ thể cho trẻ
Khi đo thân nhiệt cho trẻ nên sử dụng nhiệt kế điện tử sẽ có độ chính xác cao và an toàn hơn so với nhiệt kế thủy ngân. Có nhiều cách đo nhiệt độ cho trẻ sơ sinh khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi mà phụ huynh sẽ chọn cách đo phù hợp:
- Trẻ < 3 tháng tuổi: đo thân nhiệt ở nách hoặc hậu môn
- Trẻ từ 3 – 5 tháng tuổi: đo thân nhiệt ở nách hoặc tai
- Trẻ < 4 tuổi: có thể kẹp nhiệt kế ở nách để xác định thân nhiệt
- Trẻ > 4 tuổi: đo nhiệt độ tại miệng sẽ có tính chính xác cao
Hướng dẫn đo thân nhiệt cho trẻ
Đo thân nhiệt ở nách
- Lau khô nách trước khi đo, kẹp nhiệt kế ở nách trẻ
- Giữ nhiệt kế bằng cách ép sát khuỷu tay vào ngực trong khoảng 4 – 5 phút
Đo thân nhiệt ở miệng
- Đặt đầu nhiệt kế vào dưới lưỡi của trẻ, bảo trẻ giữ nhiệt kế bằng môi, giữ môi kín xung quanh nhiệt kế
- Giữ nguyên nhiệt kế trong khoảng 1 phút với nhiệt kế điện tử và 3 phút với nhiệt kế thủy ngân
- Lưu ý chỉ đo sau khi trẻ đã ăn hoặc uống đồ nóng trong vòng 30 phút
Đo thân nhiệt ở tai
- Cách đo thân nhiệt này chỉ áp dụng cho trẻ trên 6 tháng tuổi
- Kéo tai ngoài của trẻ sơ sinh trước khi đặt nhiệt kế vào
- Giữ đầu dò nhiệt kế ở trong tai của trẻ trong vòng 2 giây
Đo thân nhiệt ở hậu môn
- Cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ nằm úp trong lòng người lớn
- Thoa một chút vaseline hoặc chất bôi trơn an toàn (chẳng hạn như dầu dừa) vào phần đầu nhiệt kế
- Đặt nhiệt kế vào hậu môn cho tới khi không thấy phần đầu bạc nữa (khoảng 0,6 – 1,3cm bên trong hậu môn)
- Giữ nguyên nhiệt kế trong 1 phút với nhiệt kế thủy ngân và 2 phút đối với nhiệt kế điện tử
Cách xử lý khi thân nhiệt của trẻ sơ sinh bất thường
Thông qua xúc giác các bà mẹ cũng dễ dàng nhận ra con mình đang nóng hay đang lạnh hơn bình thường. Khi thân nhiệt tăng cao bé sẽ đổ mồ hôi nhiều, môi khô và đỏ hơn. Ngược lại nếu hạ thân nhiệt thì bé bị lạnh, chân, tay là 2 bộ phận phản ánh rõ nhất.
- Hướng dẫn xử lý trong từng trường hợp:
- Thân nhiệt của trẻ < 36,5ºC: cần quấn tã, chăn ủ ấm để thân nhiệt trẻ về mức bình thường đồng thời cũng điều chỉnh nhiệt độ phòng ấm lên
- Thân nhiệt của trẻ > 37,5ºC nghĩa là bé đang bị nóng. Mẹ cần cởi bớt quần áo dày, thay quần áo thông thoáng và chất liệu thấm hút tốt cho trẻ, lau mát cơ thể, cho bé bú hoặc uống nước và nhớ kiểm tra nhiệt độ thường xuyên
- Trẻ sốt cao, thân nhiệt > 38ºC cần tìm cách hạ sốt cho trẻ nhanh chóng, có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt, nếu cần thiết phải đưa đến cơ sở y tế để thăm khám ngay
» Tham khảo: Top 8 thuốc hạ sốt trẻ em tốt nhất? Liều dùng cho bé theo độ tuổi cân nặng
Làm gì khi trẻ sơ sinh bị sốt?
- Lau người cho trẻ bằng nước ấm, đặc biệt tại các vị trí nách, bẹn, gáy khoảng 5 – 10 phút để các lỗ chân lông giãn nở và thoát nhiệt ra ngoài
- Mặc lại quần áo mỏng mát, thoải mái cho trẻ
- Cho bé bú sữa hoặc uống nước để bù lại lượng nước đã mất quá mồ hôi và hô hấp
- Tạm ngưng cho trẻ ăn khi đang sốt cao để tránh bị co giật, khi đã qua cơn sốt có thể cho bé ăn nhẹ bình thường, lưu ý chọn thức ăn dễ tiêu
- Theo dõi các dấu hiệu đi kèm để tìm nguyên nhân gây sốt và lưu ý cảnh báo bệnh nặng
- Đo thân nhiệt lại mỗi 30 phút, nếu các biện pháp xử trí không hiệu quả thì nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt hoặc nhét thuốc ở hậu môn
- Tuyệt đối không ủ ấm hay chườm lạnh cho trẻ khi thân nhiệt đang tăng cao
Lời kết
Nhiệt độ cơ thể của trẻ sơ sinh là dấu hiệu phản ánh rõ nhất tình trạng sức khỏe. Do thân nhiệt của trẻ có sư khác biệt do với thân nhiệt của người lớn nên cha mẹ cần chú ý và theo dõi nhiệt độ cơ thể của trẻ thường xuyên, giúp phát hiện sớm các vấn đề để xử trí kịp thời, chăm sóc sức khỏe con trẻ một cách tốt nhất.