Bệnh lao phổi được biết đến là một bệnh truyền nhiễm gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có khả năng lây lan cho những người xung quanh bệnh nhân, rộng hơn là trong cộng đồng.
Bệnh lao phổi là gì?
Bệnh lao phổi (tên khoa học là Pulmonary Tuberculosis) là bệnh xảy ra khi vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis tấn công phổi và phá hủy các tế bào của cơ quan này. Đây cũng là chủng vi khuẩn gây ra các dạng bệnh lao, chẳng hạn như lao màng não, lao hạch, lao màng bụng,…
Tuy nhiên, sau khi xâm nhập vào cơ thể, không phải lúc nào vi khuẩn M.Tuberculosis cũng lập tức gây bệnh. Do vậy, tình trạng nhiễm khuẩn lao được chia thành 2 dạng:
- Bệnh lao tiềm tàng: vi khuẩn lao sống trong cơ thể mà không phát bệnh do người đó khỏe mạnh và có hệ miễn dịch đủ mạnh để kiềm chế vi khuẩn. Một khi vi khuẩn lao bắt đầu hoạt động và sinh sản, người này sẽ có nguy cơ chuyển từ nhiễm lao dạng tiềm ẩn sang mắc bệnh lao
- Bệnh lao: vi khuẩn lao hoạt động và sinh sôi trong cơ thể gây bệnh. Nếu người bệnh không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ lây lan sang những người mà họ thường xuyên tiếp xúc
Bệnh lao phổi lây truyền qua đường nào?
Bệnh lao phổi là bệnh nguy hiểm lây truyền qua đường hô hấp. Nguồn lây bệnh là người hoặc động vật nhiễm vi khuẩn lao. Khi ho, hắt hơi, trò chuyện, khạc nhổ đờm hoặc bài tiết dịch qua đường hô hấp,…vi khuẩn lao có trong các giọt bắn, hạt nước li ti sẽ phát tán ra ngoài không khí. Người bình thường hít phải không khí có chứa những giọt nước này sẽ bị vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, nguy cơ dẫn đến bệnh lao phổi.
Ngoài ra, bệnh lao phổi còn lây truyền qua con đường gián tiếp. Vi khuẩn có thể bám trên bề mặt của các đồ vật. Khi chạm tay vào, vi khuẩn sẽ bám lên tay và dễ dàng tấn công vào cơ thể qua các đường mũi, miệng qua những lần đưa tay lên mặt. Chình vì vậy, những người dùng chung đồ cá nhân hoặc vật dụng ăn uống của người bệnh có thể bị nhiễm khuẩn lao phổi.
Tuy nhiên, không phải cứ nhiễm vi khuẩn lao là phát bệnh. Như đã trình bày ở trên, người nhiễm vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis có khởi phát bệnh lao phổi hay không phụ thuộc vào sức khỏe và hệ miễn dịch của người bệnh. Nếu có sức khỏe tốt, hệ miễn dịch đủ mạnh để ức chế hoạt động và sự sinh sôi của vi khuẩn thì sẽ không nhiễm bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh lao phổi
Suy giảm hệ miễn dịch
Nguyên nhân gây suy giảm hệ miễn dịch:
- Nhiễm HIV
- Sử dụng rượu bia, chất kích thích, hút thuốc lá, nghiện ma túy
Một số bệnh lý mãn tính như bệnh tiểu đường, viêm loét dạ dày tá tràng,… - Suy thận mãn tính
- Bệnh ung thư
- Sử dụng một số loại thuốc tiêm tĩnh mạch, corticoid, hóa chất điều trị ung thư…
- Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch nhằm chống thải ghép các bộ phận cấy ghép
- Sử dụng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn và vảy nến
- Suy dinh dưỡng
Du lịch hoặc sinh sống trong một số khu vực
Những người đi du lịch hoặc sinh sống ở một số khu vực nhất định có tỷ lệ mắc bệnh lao phổi và kháng thuốc cao. Cụ thể như Châu Phi phía nam Sahara, Ấn Độ, Trung Quốc, Đông Âu, Nga, Nam Mỹ, Quần đảo Caribe, Pakistan.
Ngoài ra, những người làm công việc chăm sóc sức khỏe (y tá, bác sĩ,…) thường xuyên tiếp xúc với những người mắc lao phổi cũng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn lao cao hơn.
Triệu chứng bệnh lao phổi
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà triệu chứng lao phổi ở mỗi người khác nhau. Bệnh nhân có thể có một số triệu chứng hoặc tất cả các triệu chứng, gồm:
- Ho kéo dài, có thể ho khan, ho có đờm, thậm chí ra máu
- Đau tức ngực, khó thở
- Sốt nhẹ trên 3 tuần (có thể sốt về chiều), ớn lạnh vào chiều tối
- Đổ mồ hôi vào ban đêm
- Cơ thể mệt mỏi, yếu ớt, không có sức lực
- Chán ăn dẫn đến sụt cân, suy nhược
Bệnh lao phổi nguy hiểm như thế nào?
Khi vi khuẩn lao phổi Mycobacterium Tuberculosis tấn công vào cơ thể có thể ủ bệnh trong vài tuần, vài tháng hoặc vài năm. Đa phần người bệnh có tâm lý chủ quan, dễ nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh hô hấp thông thường khác. Vì thế dẫn đến phát hiện và điều trị muộn.
Nếu không được can thiệp kịp thời, vi khuẩn lao M. tuberculosis có thể sinh sôi, phát triển và lây lan khắp cơ thể, tấn công các cơ quan khác, nguy cơ gây bệnh lao khớp, lao màng não, lao hạch, lao ruột, lao sinh dục, lao màng bụng,…Từ đó dẫn đến những vấn đề sức khỏe, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể, đến hệ tim mạch cũng như chức năng của các cơ quan khác.
Một số biến chứng của bệnh lao phổi:
- Vi khuẩn lao kháng thuốc và phát triển nhanh chóng thành bệnh lao đa kháng thuốc (MDR)
- Tràn dịch, tràn khí màng phổi
- Xuất huyết đường hô hấp.
- Lao thanh quản
- Giãn phế quản
- Suy hô hấp mãn tính
- Nấm Aspergillus phổi
- Rò thành ngực
- Ung thư phổi
» Xem thêm: 8 dấu hiệu ung thư phổi giúp phát hiện bệnh sớm
Điều trị bệnh lao phổi
Với sự phát triển của nền y học hiện đại, hiện nay đã có những phương pháp điều trị hiệu quả bệnh lao phổi. Người bệnh không cần quá lo lắng nhưng cũng không nên chủ quan, tốt hơn vẫn là nhận biết sớm các triệu chứng để điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nghiêm trọng.
Phương pháp điều trị lao phổi phổ biến là dùng kết hợp nhiều loại thuốc kháng sinh (Isoniazid, Rifampicin, Ryrazinamid, Streptomycin , Ethambutol) trong vòng 6 tháng hoặc lâu hơn. Tùy thuộc vào thể trạng, độ tuổi và bệnh lý mà mỗi bệnh nhân sẽ có phác đồ điều trị riêng. Bạn có thể tham khảo phác đồ điều trị bệnh lao cho người mắc bệnh lao phổi lần đầu tiên theo chương trình Chống lao Quốc gia.
Để quá trình điều trị mang lại hiệu quả tốt nhất thì người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ, uống thuốc đúng phác đồ, uống đúng thời gian, tránh việc bỏ thuốc, gián đoạn điều trị.
Lời kết
Bệnh lao phổi là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp rất nguy hiểm. Mặc dù đã có những phương pháp điều trị hiệu quả nhưng mọi người không nên chủ quan mà cần chủ động phòng ngừa. Cách tốt nhất vẫn là tiêm vắc xin ngừa lao phổi. Cùng với đó là chăm sóc sức khỏe cơ thể, xây dựng lối sống và chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh, rèn luyện thể chất để luôn có thể trạng khỏe mạnh. Hy vọng bài viết trên đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích!