Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh và là mối đe dọa tới sức khỏe cộng đồng. Bệnh có thể xảy ra với mọi lứa tuổi và giới tính, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi và những người chưa tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ.

Bệnh sởi là gì?

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Paramyxoviridae gây ra. Bệnh thường xuất hiện vào mùa đông – xuân, thời điểm virus gây bệnh có điều kiện thuận lợi để phát triển và xâm nhập vào cơ thể con người.

Bệnh sởi phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. “Theo thông tin từ Cục y tế dự phòng, đến nay đã có 43/63 tỉnh, thành phố ghi nhận các trường hợp mắc sởi, chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi nhưng cũng ghi nhận nhiều trường hợp mắc sởi ở người lớn. Trong số các trường hợp mắc sởi có đến 98,7% có tiền sử chưa tiêm vắc xin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin sởi.”

Bệnh sởi lây truyền qua những con đường nào?

Bệnh sởi là bệnh có thể lây truyền từ người sang người với tốc độ nhanh chóng, nguy cơ bùng phát thành dịch cao. Bệnh lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp. Virus gây bệnh sởi tồn tại trong dịch mũi và dịch hầu họng của người bệnh. Khi bệnh nhân ho, hắt hơi, sổ mũi, trò chuyện,…những giọt bắn li ti chứa siêu vi sẽ phát tán ra ngoài không khí. Người khỏe mạnh hít phải những giọt này có thể bị nhiễm bệnh.

Một con đường lây truyền gián tiếp của bệnh sởi là những giọt bắn chứa virus từ người bệnh bám lên mặt bàn, bề mặt công cộng, đồ vật chung. Nếu người khác sờ vào những bề mặt này và đưa tay lên mũi hay miệng, virus sẽ xâm nhập vào cơ thể gây bệnh. Ngay cả khi người mắc bệnh sởi chưa bộc phát triệu chứng thì vẫn có nguy cơ lây bệnh cho cộng đồng. Thông thường là khoảng 4 ngày trước khi dấu hiệu là những vết ban đỏ xuất hiện.

Triệu chứng của bệnh sởi

Giai đoạn ủ bệnh

Giai đoạn ủ bệnh của bệnh sởi thường kéo dài 7 – 21 ngày, trung bình là 10 ngày. Lúc này virus mới xâm nhập vào cơ thể và bắt đầu tấn công các bộ phận nên người bệnh chưa có triệu chứng, biểu hiện gì rõ rệt.

Giai đoạn khởi phát

Giai đoạn khởi phát kéo dài từ 2 – 4 ngày. Người bệnh sốt cao, viêm long đường hô hấp trên, viêm kết mạc. Đôi khi có viêm thanh quản cấp, có thể có hạt Koplik phía trong miệng ngang hàm trên. Có thể thấy hạt Koplik là các hạt nhỏ có kích thước 0,5-1 mm màu trắng/xám có quầng ban đỏ nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên).

Giai đoạn toàn phát

Đây là giai đoạn bệnh diễn tiến mạnh nhất, kéo dài từ 2 – 5 ngày. Bệnh nhân có dấu hiệu phát ban hồng. Lúc đầu các nốt ban xuất hiện sau tai, trán, mặt rồi lan dần xuống cổ, ngực, lưng, lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân.

Giai đoạn hồi phục

Các nốt ban nhạt màu dần và chuyển sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu rồi dần biết mất, để lại vết thâm trên da. Bệnh nhân có thể có ho kéo dài 1 – 2 tuần sau khi hết ban.

Bệnh sởi có tự khỏi được không?

Bản chất của bệnh sởi là bệnh lành tính. Thống kê cho thấy có đến 90% các bệnh nhân mắc sởi có thể tự khỏi, chỉ 10% ca bệnh có biến chứng nặng. Chỉ trên những cơ địa đặc biệt mới có nguy cơ cao xảy ra các biến chứng.

Trường hợp trẻ em bị mắc bệnh sởi thể nhẹ nên nằm cách ly tại nhà. Sau 3 – 4 ngày phát ban sẽ dần hồi phục. Trường hợp xảy ra biến chứng như viêm phổi, viêm cơ tim hay viêm não do phản ứng kháng nguyên, bội nhiễm vi khuẩn….cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ vào viện để được điều trị kịp thời.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi

  • Do vi rút sởi: viêm phổi kẽ thâm nhiễm tế bào khổng lồ, viêm thanh khí phế quản, viêm cơ tim, viêm não, màng não cấp tính.
  • Do bội nhiễm: Viêm phổi, viêm tai giữa, viêm dạ dày ruột…
  • Do điều kiện dinh dưỡng và chăm sóc kém: viêm loét hoại tử hàm mặt, giác mạc..
  • Các biến chứng khác: lao tiến triển, tiêu chảy….
  • Phụ nữ mang thai bị sởi có thể bị sảy thai, thai chết lưu, đẻ non hoặc trẻ bị nhẹ cân hoặc thai nhiễm sởi tiên phát.

Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân mắc sởi

  • Người bệnh cần cách ly và đeo khẩu trang để tránh lây truyền bệnh sởi cho những người xung quanh
  • Không dùng chung vật dụng cá nhân và các đồ dùng như khăn mặt, bàn chải, kính, cốc với những người khác
  • Nghỉ ngơi trong phòng thoáng khí, có thể sử dụng kính râm, giữ cho đèn mờ có thể giúp thoải mái vì bệnh sởi làm tăng độ nhạy cảm với ánh sáng.
  • Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày. Có thể nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch nhỏ mắt mũi chuyên dùng, mỗi ngày nhỏ 3 – 4 lần
  • Uống nhiều nước, nước ép trái cây tươi, uống Oresol để bù chất điện giải
  • Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, ăn những thức ăn dễ tiêu, chia thành nhiều bữa ăn trong ngày
  • Chườm ấm khi sốt nhẹ, nếu sốt cao > 38,5oC dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
  • Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi nhiều
  • Người chăm sóc bệnh nhân, người tiếp xúc với bệnh nhân cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh để tránh lây truyền bệnh

Lời kết

Bệnh sợi tuy không quá nguy hiểm nhưng bạn cũng không được chủ quan, 10% các ca bệnh có thể gặp biến chứng và ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe. Bởi vậy tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ cần tiêm phòng vắc xin đầy đủ và khám sức khỏe định kỳ. Vắc xin sởi, quai bị và rubella (MMR) thường được tiêm lúc 12 – 15 tháng tuổi, sau đó tiêm nhắc lại từ 4 – 6 tuổi. Bất cứ ai có hệ thống miễn dịch suy yếu nên hỏi bác sĩ về việc tiêm vắc xin. Chủ động thực hiện phòng tránh bệnh sởi không chỉ là cách để bạn bảo vệ sức khỏe bản thân mà còn là trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng.

THAM VẤN Y KHOA: DƯỢC SĨ HÀ HẰNG