Sỏi thận là tình trạng các khoáng chất kết dính lại thành các hạt trong thận, không thể thoát ra ngoài tự nhiên và khiến người bệnh rất đau. Bệnh sỏi thận nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có nguy cơ cao dẫn đến biến chứng, đe dọa sức khỏe của người bệnh.
Bệnh sỏi thận là gì?
Sỏi thận hay sạn thận, sỏi tiết niệu là bệnh lý xảy ra khi muối và các chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, bàng quang, niệu quản,… kết tinh lại với nhau tạo thành các tinh thể muối khoáng,rắn mà chủ yếu là các tinh thể calci. Kích thước của sỏi có thể lên tới vài cm.
Sỏi thận kích thước nhỏ có thể được bài tiết ra ngoài tự nhiên theo đường nước tiểu và không gây đau. Tuy nhiên, trường hợp sỏi lớn khi chúng di chuyển từ bể thận xuống niệu quản, bàng quang sẽ cọ xát dẫn tới tổn thương đường tiết niệu, thậm chí tắc ống dẫn nước tiểu, nhiễm trùng gây ra những hệ quả khôn lường.
Nguyên nhân bệnh sỏi thận
Uống ít nước
Nước giữ vai trò quan trọng để quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra bình thường, trơn tru. Nhiều người có thói quen uống ít nước có thể do không thấy khát, không thích,..Khi lượng nước đưa vào cơ thể quá ít sẽ ảnh hưởng đến tuần hoàn thận, không đủ để thận lọc và đào thải chất cặn bã. Chính vì vậy, nước tiểu đặc với nồng độ các ion và muối khoáng cao, dễ kết tinh tạo sỏi.
Ăn uống không phù hợp
Ăn những thực phẩm mặn, nhiều dầu mỡ cũng gây trở ngại đến tuần hoàn thận, làm tăng thể tích tuần hoàn khiến các chất khoáng được lọc qua thận nhiều hơn làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận. Đặc biệt là những thực phẩm như các gốc muối, điển hình là oxalat trong môn, cải, cần tây, rau muống,…
Nhịn tiểu
Nhịn tiểu là một thói quen xấu ảnh hưởng lớn đến sức khỏe đường tiết niệu. Việc nhịn tiểu thường xuyên khiến các chất khoáng không được đào thải, nước tiểu tích tụ. Khi lượng calci đủ lớn đến một mức độ nào đó sẽ hình thành viên sỏi.
Một số nguyên nhân khác
- Mắc các dị tật đường tiết niệu bẩm sinh làm cản trở sự bài tiết nước tiểu
- Nhiễm trùng đường sinh dục, đường tiết niệu cũng có nguy cơ gây bệnh sỏi
- Các vấn đề sức khỏe khác như nhiễm toan ở ống thận, cystin niệu, cường cận giáp
- Nhịn ăn sáng khiến dịch mật bị tích tụ trong túi mật và đường ruột dẫn tới sỏi thận
- Mất ngủ kéo dài ảnh hưởng đến khả năng tự tái tạo tổn thương của mô thận. Tình trạng này càng kéo dài bạn càng có nguy cơ bị sỏi thận
- Lạm dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài
Triệu chứng bệnh sỏi thận
- Đau lưng, đau ở vùng mạn sườn dưới, có thể lan sang phía bụng dưới và bắp đùi do sỏi di chuyển gây cọ xát hoặc ứ tắc nước tiểu
- Cảm thấy đau, nóng rát khi đi tiểu, tiểu buốt, đau theo từng đợt hoặc thay đổi cường độ từng lúc
- Tiểu rắt, tiểu són: sỏi ở niệu quản hay bàng quang khiến người bệnh thường xuyên có cảm giác buồn đi tiểu nhưng lượng nước tiểu rất ít, nước tiểu không xuống được bàng quang và ứ tại thận gây ra những cơn đau quặn thận
- Nước tiểu màu bất thường hoặc có lẫn cặn: một số trường hợp sỏi nhỏ hoặc sỏi bị vỡ sẽ được bài xuất qua nước tiểu
- Tiểu ra máu: sự cọ xát của sỏi có thể dẫn tới những tổn thương
- Nôn và buồn nôn: bị sỏi thận sẽ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa và khiến người bệnh có cảm giác này
- Sốt, ớn lạnh là triệu chứng nghiêm trọng cảnh báo nhiễm trùng đường tiết niệu
Bệnh sỏi thận nguy hiểm như thế nào?
Bệnh sỏi thận kéo dài có thể diễn tiến thành bệnh thận mãn tính. Số lượng và kích thước các viên sỏi trong bể thận cũng tăng lên. Nghiên cứu cho thấy khoảng 50% người có sỏi thận có khả năng xuất hiện thêm viên sỏi khác trong vòng 5 – 7 năm.
Bệnh thận có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm:
Nhiễm khuẩn tiết niệu
Sỏi thận có nhiều kích thước khác nhau tùy vào mức độ lắng đọng Calci. Những viên sỏi có nhiều cạnh sắc sẽ cọ xát và gây tổn thương niêm mạc. Những tổn thương này tạo điều kiện để vi khuẩn tấn công gây nhiễm khuẩn niệu đạo.
Viêm bể thận cấp
Trường hợp nhiễm khuẩn bể thận nặng sẽ dẫn đến cơn viêm bể thận cấp. Đôi khi viêm bể thận cấp có thể do vi khuẩn đi ngược dòng từ niệu quản, gây các ổ viêm trên thận.
Viêm bể thận mạn tính
Viêm bể thận cấp tái đi tái lại nhiều lần là nguyên nhân dẫn đến viêm bể thận mãn tính, xơ hóa tổ chức kẽ thận, làm giảm chức năng tái hấp thu của thận. Lâu dài, xơ hóa cả cuộn mao mạch cầu thận, gây suy giảm chức năng lọc của thận.
Ứ nước bể thận
Khi viên sỏi ở nhóm đài thận gây ứ nước một phần thận hoặc sỏi ở niệu quản gây ứ nước toàn thận và niệu quản sẽ gây tổn thương thận rất khó phục hồi. Nếu ứ nước, tắc nghẽn kéo dài sẽ làm tăng áp lực lọc, thận thiếu máu, nhiều ống thận sẽ bị teo và tủy thận bị hủy hoại.
Ứ mủ bể thận
Trong trường hợp viêm bể thận nặng, không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ứ mủ. Biến chứng này vô cùng nguy hiểm, có thể hủy hoại nhanh nhu mô thận.
Suy thận
Suy thận hay bệnh thận yếu là hậu quả của việc thận bị tổn thương trong thời gian dài dẫn đến suy giảm chức năng. Nếu người bệnh không điều trị kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng.
» Xem thêm: Bệnh thận yếu: nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Suy thận mãn
Đây là biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh sỏi thận, các tổ chức nhu mô thận bị xơ hóa. Người bệnh cần đến các biện pháp để duy trì sự sống như chạy thận hay ghép thận.
Phòng ngừa bệnh sỏi thận
- Uống đủ nước mỗi ngày, từ 2 – 2.5 lít
- Nên ăn nhạt, cắt giảm lượng muối trong các bữa ăn hàng ngày
- Không nên ăn các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, chất béo làm tăng lượng cholesterol xấu
- Hạn chế các thực phẩm có thành phần dễ hình thành sỏi như soda, trà đá, dâu tây, cacao, cà phê, các loại hạt…
- Bỏ thói quen nhịn tiểu
- Tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày một cách hợp lý để nâng cao sức khỏe cơ thể
Lời kết
Sỏi thận không chỉ gây cảm giác đau đớn cho người bệnh mà còn ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, nguy cơ biến chứng cao. Nếu xuất hiện các triệu chứng nêu trên bạn cần đến cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị. Bản thân mỗi người cũng nên xây dựng lối sống và chế độ ăn uống khoa học để chủ động phòng ngừa các vấn đề sức khỏe.