Ngộ độc thực phẩm không phải là tình trạng hiếm gặp mà thậm chí hiện nay còn rất dễ xảy ra. Tùy theo mức độ mà các triệu chứng biểu hiện từ nhẹ đến nặng, nhiều trường hợp cần được cấp cứu kịp thời nếu không sẽ đe dọa đến tính mạng. Vậy dấu hiệu nào cảnh báo ngộ độc thực phẩm để tránh nhầm lẫn với những hiện tượng khác?
Ngộ độc thực phẩm là gì?
Ngộ độc thực phẩm (ngộ độc thức ăn) hay dân gian gọi là trúng thực xảy ra khi tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng gây hại hoặc có độc tố mạnh hoặc do ăn phải thức ăn ôi thiu, nấm mốc.
Trường hợp ngộ độc nhẹ các triệu chứng có thể tự thuyên giảm và biến mất sau một thời gian ngắn, hoặc bằng các biện pháp khắc phục tại nhà. Tuy nhiên trường hợp ngộ độc nặng, các biểu hiện dữ dội như da tím tái, đau cơ, khó thở,…cần phải nhập viện để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những hệ quả đáng tiếc.
Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm
Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thức ăn:
- Bản chất nguồn gốc thực phẩm chứa sẵn độc tố mạnh hoặc đã bị nhiễm độc từ những tác nhân bên ngoài môi trường
- Sử dụng thực phẩm đã bị hỏng, ôi thiu, nấm mốc
- Do vấn đề vệ sinh, chế biến và bảo quản thực phẩm không đúng cách. Khi đó ngay cả thực phẩm đã được nấu chín cũng có thể gây ngộ độc
Các triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện sau vài giờ đến vài ngày kể từ khi bị ngộ độc thực phẩm. Trong thời gian đó có thể bạn đã dung nạp thêm nhiều đồ ăn khác nên việc xác định chính xác thực phẩm gây hại khá khó khăn. Vậy nên bạn cần tìm hiểu những dấu hiệu ngộ độc thực phẩm để phát hiện sớm nhất, bảo vệ sức khỏe cơ thể.
Cảnh báo dấu hiệu ngộ độc thực phẩm cần nắm rõ
Đau bụng
Đau bụng là biểu hiện đầu tiên và điển hình nhất khi hệ tiêu hóa dung nạp thực phẩm gây kích ứng. Người bệnh thường bị đau bụng ở khu vực dưới xương sườn và bên trên xương chậu. Ngoài ra, những cơn co thắt bụng cũng xuất hiện do cơ bụng co lại nhằm tăng tốc độ chuyển động của ruột để loại bỏ vi sinh vật gây hại.
Tiêu chảy
Tiêu chảy là là tình trạng đi ngoài phân lỏng quá 3 lần/ngày kèm theo những cơn đau quặn thắt bụng, phân lỏng. Đây cũng là triệu chứng ngộ độc thực phẩm phổ biến do các sinh vật gây hại trong thức ăn làm tổn thương, viêm ruột. Vì thế khiến ruột hoạt động hấp thụ nước và các chất lỏng khác tại ruột kém hiệu quả.
Tiêu chảy khiến người bệnh mệt mỏi vì mất nước, mất chất điện giải. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến suy kiệt sức khỏe, sụt cân nhanh chóng.
» Tham khảo: Giới thiệu 10 loại thuốc trị tiêu chảy tốt nhất, hiệu quả nhất hiện nay
Đau đầu là biểu hiện ngộ độc thực phẩm
Nhiều người thường nhầm lẫn đau đầu là biểu hiện của những bệnh lý thông thường. Thực tế đau đầu là triệu chứng ngộ độc do mất nước và mệt mỏi, ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ khiến não mất chất dịch và tạm thời co lại. Bạn càng dễ bị đau đầu nếu đồng thời bị nôn mửa, tiêu chảy.
Cơ thể mệt mỏi, kiệt sức
Khi các tác nhân gây kích ứng xâm nhập vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng để chống lại tình trạng nhiễm trùng. Chưa kể các cơ quan khác cũng bị ảnh hưởng nên người bệnh thấy mệt mỏi là điều dễ hiểu.
Nôn mửa
Một trong mười triệu chứng ngộ độc thực phẩm là tình trạng nôn mửa, xảy ra khi cơ hoành và cơ bụng co bóp để đẩy những chất có trong dạ dày ra ngoài. Đây thực chất là cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể để loại bỏ vi sinh vật và độc tố nguy hiểm.
Khi nôn ra được cơ thể sẽ thấy dễ chịu hơn, tình trạng ngộ độc cũng thuyên giảm. Tuy nhiên có những người bị nôn mửa liên tục nhiều hơn. Lúc này tốt nhất là đến gặp bác sĩ để thăm khám, tránh trường hợp nôn mửa quá mức dẫn đến mất nước, kiệt sức.
Sốt do ngộ độc thực phẩm
Sốt là trạng thái cơ thể tăng nhiệt nhiều hơn mức bình thường. Sốt do ngộ độc thực phẩm xảy ra do vi khuẩn truyền nhiễm hoặc hệ thống miễn dịch giải phóng ra chất pyrogens làm kích hoạt sự gia tăng nhiệt độ. Nhiệt độ cơ thể tăng đồng thời cũng làm tăng hoạt động của các tế bào bạch cầu giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng.
Đau cơ bắp
Khi vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng trong thực phẩm tấn công và gây hại cho cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ được kích hoạt, gây viêm. Lúc này, có thể giải phóng histamin có thể kích hoạt các thụ thể gây đau. Vì thế khiến cho một số bộ phận trên cơ thể nhạy cảm hơn, dẫn đến những cơn đau âm ỉ, điển hình là đau cơ bắp.
Ngộ độc thực phẩm nguy hiểm như thế nào?
Ngộ độc thực phẩm rất nguy hiểm nếu người bệnh có các biểu hiện nặng ở đường tiêu hóa hoặc bị mất nước, nhiễm trùng hay xuất hiện thêm các triệu chứng:
- Rối loạn thần kinh: nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, tê liệt cơ, co giật,…
- Rối loạn tim mạch: tụt huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở,…
- Đau ở các vị trí khác ngoài bụng như ngực, cổ,…
Ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng gây suy kiệt cho người bệnh cả về thể chất lẫn tinh thần, thậm chí gây tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.
Hướng dẫn sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm
Khi chính bản thân bạn hoặc thấy người xung quanh bị ngộ độc thực phẩm cần bình tĩnh thực hiện theo hướng dẫn sau:
Bước 1: Gây nôn
Nôn là cách hữu hiệu nhất để tống khứ thực phẩm và những chất gây độc trong dạ dày ra ngoài, nôn càng nhiều càng tốt. Có thể rửa sạch tay rồi đặt vào lưỡi người bệnh gây nôn tuy nhiên không kích thích quá mức sẽ gây sặc. Lưu ý chỉ áp dụng với người còn tỉnh táo. Nếu bệnh nhân đã hôn mê tuyệt đối không được kích thích gây nôn vì rất dễ sặc dẫn đến ngạt thở. Nếu người bệnh bị co giật, ngừng thở và ngừng tim, bạn hãy hô hấp nhân tạo.
Bước 2: Cho người bệnh uống nhiều nước và nghỉ ngơi
Sau khi nôn và tiêu chảy liên tục người bệnh sẽ bị mất nước, cơ thể mệt mỏi, suy kiệt. Vì vậy cần bù nước bằng nước lọc, dung dịch oresol bù chất điện giải hoặc uống nước gạo rang.
Bước 3: Gọi cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. Vì mặc dù đã sơ cứu ban đầu, song bệnh nhân vẫn có thể gặp nguy hiểm và biến chứng bất cứ lúc nào.
Người bị ngộ độc thực phẩm nên ăn gì?
Bạn nên cho dạ dày nghỉ ngơi vài giờ trước khi bắt đầu bổ sung thực phẩm. Ban đầu nên chọn những loại thức ăn nhạt, dễ tiêu hóa:
- Các loại thức ăn nhẹ và dễ tiêu hóa như cháo, bột yến mạch, các loại trái cây mềm,..
- Bổ sung nước và chất điện giải. Lưu ý chỉ nên uống từng ngụm nhỏ, không dùng thức uống chứa cồn hay caffeine
- Thực phẩm chứa lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa (sữa chua,..) giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột
Bên cạnh đó, người bệnh nên nghỉ ngơi nhiều để phục hồi thể trạng do đã mệt mỏi, mất sức nhiều trước đó. Nếu ngộ độc cấp tính thì cơ thể sẽ khỏe lại sau vài ngày hoặc vài giờ.
Phòng tránh ngộ độc thực phẩm
- Sử dụng thực phẩm tươi sống, không dùng đồ ôi thiu, đã có dấu hiệu hư hỏng, cũng không nên tiếc rẻ mà ảnh hưởng đến sức khỏe
- Tìm hiểu kĩ về nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm, chỉ nên mua thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn
- Bảo quản thức ăn chưa chế biến ở nhiệt độ thích hợp
- Không nên để thức ăn đã nấu chín ở nhiệt độ thường quá 2 – 3 giờ vì sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập
- Thực hiện ăn chín uống sôi
- Đảm bảo dụng cụ chế biến sạch sẽ
- Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi nấu ăn và trước khi ăn
Lời kết
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng thường gặp hiện nay. Dù mức độ nhẹ hay nặng đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thể trạng của người bệnh. Vì vậy mọi người cần ăn uống đảm bảo để chủ động phòng tránh cũng như nắm rõ những dấu hiệu và hướng dẫn sơ cứu sẽ giúp xử lý kịp thời, tránh hậu quả không mong muốn.