Mộng du là tình trạng có thể gặp phải với bất kỳ ai, phổ biến hơn với trẻ nhỏ. Người bị mộng du có những hành động bất thường như đi lại, ăn, mở tủ, nói năng lung tung,…Theo các nghiên cứu, có tới gần 30% số người trưởng thành từng mộng du trong cuộc đời với những mức độ khác nhau.
Mộng du là gì?
Mộng du là tình trạng rối loạn khiến người bệnh đứng dậy và đi lại trong khi đang ngủ. Mộng du thường xuất hiện 1-2 giờ sau khi ngủ vào giai đoạn 3 và 4 của giấc ngủ NREM (giấc ngủ sâu) và kéo dài từ vài giây đến 30 phút.
Mộng du là lỗi về mặt thời gian và cân bằng, não bộ thức tỉnh khỏi giấc ngủ và rơi vào trạng thái giữa tỉnh và thức. Người bị mộng du không thể phản ứng lại các sự kiện và không thể nhớ được những gì đã xảy ra. Tình trạng này có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào, tuy nhiên phổ biến hơn ở trẻ từ 4 – 8 tuổi. Người trưởng thành bị mộng du kéo dài là bình thường và không liên quan đến bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào về thần kinh hay tâm lý.
Dấu hiệu nhận biết người đang bị mộng du
- Ngồi trên giường và mở mắt, nhìn trân trân vào khoảng không trước mặt
- Ra khỏi giường và đi lại xung quanh trong phòng hoặc trong nhà
Mắt đờ đẫn vô hồn - Thực hiện những hành động theo thói quen như thay đồ, nói chuyện hay ăn uống
- Các chuyển động vụng về
- Không phản ứng với những câu hỏi của người khác
- Nhanh chóng ngủ lại
- Không nhớ những gì đã xảy ra sau khi tỉnh dậy
- Có thể trở nên bạo lực hơn trong giai đoạn ngay sau khi thức dậy hoặc đôi khi ngay trong cơn mộng du
- Mất phương hướng hay bối rối trong thời gian ngắn sau khi bị đánh thức
Ngoài những biểu hiện mộng du trên thì người bị mộng du cũng có thể có những hành động sau mặc dù hiếm gặp:
- Rời khỏi nhà
- Lái xe
- Có những hành vi bất thường ví dụ như tiểu tiện trong tủ quần áo, đi tiểu vào thùng rác
- Thực hiện hành vi tình dục mà không có nhận thức
Nguyên nhân dẫn đến mộng du
Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây mộng du. Tuy nhiên những yếu tố làm tăng nguy cơ và có khả năng cao gây mộng du gồm:
- Tình trạng lo âu, căng thẳng, mệt mỏi, hoảng sợ ban đêm
- Ngủ không có giờ giấc
- Gặp phải các vấn đề sức khỏe: sốt, ốm bệnh kéo dài, trào ngược dạ dày thực quản, thiếu magie,…
- Sử dụng một số thuốc điều trị bệnh (thuốc an thần, thuốc tâm thần, thuốc kháng histamin,…)
- Khi đi ngủ bàng quang đầy nước tiểu, ngủ ở môi trường lạ, nơi ngủ ồn ào, có quá nhiều ánh sáng, người ngủ bị stress… cũng có thể dẫn đến tình trạng mộng du
- Ở người lớn, mộng du có thể liên quan đến rối loạn tâm thần, phản ứng với thuốc, người uống nhiều rượu, có xảy ra những cơn động kinh cục bộ
- Ở người già, mộng du có thể là biểu hiện của bệnh não như thiếu máu não thoáng qua, các bệnh mạch máu não…
- Ngoài ra thì tình trạng mất ngủ kéo dài cũng có thể khiến khi đi vào giấc ngủ dễ gặp mộng du
» Xem thêm: Bệnh mất ngủ nguyên nhân từ đâu? Làm thế nào để khắc phục và phòng bệnh?
Mộng du có nguy hiểm không?
Bản thân mộng du không nguy hiểm nhưng tình trạng người bệnh không nhận thức được hành vi của mình có thể gây thương tích hoặc gây nguy hiểm cho những người xung quanh. Hơn nữa cũng gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của các thành viên khác trong gia đình. Bản thân người bị mộng du cũng cảm thấy xấu hổ vì những hành vi của mình.
Với trẻ nhỏ, mộng du dễ gây nguy hiểm hơn vì trẻ có thể tự làm tổn thương bản thân, dễ bị ngã khi gần các đồ vật trong nhà, va vào cầu thang, ăn thứ gì không phù hợp trong lúc không nhận thức được.
Chính vì vậy, nếu mộng du thường xuyên xảy ra, nhiều hơn 1 – 2 lần/tuần thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và tìm cách khắc phục. Lưu ý mộng du không phải là vấn đề về thần kinh hay não bộ mà chỉ là hệ quả nhỏ cũng những tác động về tâm lý, tinh thần.
Cách khắc phục chứng mộng du
Đối với trẻ em
- Khi trẻ bị mộng du nên đưa trẻ vào nhà vệ sinh vì có thể trẻ tìm chỗ đi tiểu tiện. Sau đó đưa trẻ trở về giường và để trẻ tiếp tục giấc ngủ
- Chăm sóc trẻ và để mắt đến trẻ nhiều hơn để phòng tránh những tai nạn
- Không nên cho trẻ ngủ ở giường hẹp vì dễ gây mệt mỏi, kiệt sức
- Nếu trẻ cần được đánh thức sớm vào buổi sáng thì phải đi ngủ sớm hơn vào tối hôm trước. Nếu trẻ thường xuyên bị mộng du, phụ huynh hãy ghi chép thời gian ngủ của trẻ để đánh thức trẻ trước 15 phút khi cơn mộng du bắt đầu, giữ cho trẻ thức 5 phút. Làm như vậy 7 đêm liền. Nếu trẻ bị mộng du lại thì luyện tập tiếp 7 đêm nữa.
Đối với người lớn
- Người trưởng thành bị mộng du nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và chẩn đoán
- Nên ngủ ở tầng trệt, cài then cửa phòng, cửa sổ, loại bỏ những đồ vật như dao, kéo để đảm bảo an toàn. Nên để chuông ở cửa ra vào để báo thức cho người khác khi bệnh nhân mở cửa.
- Khi phát hiện người bị mộng du nên đưa họ trở lại giường ngủ, không nên cố gắng đánh thức người đang mộng du vì có thể làm họ bị kích động
- Trong một số trường hợp có thể sử dụng thuốc an thần nhóm benzodiazepin, thuốc chống trầm cảm 3 vòng,…
Nếu bị mộng du do một số bệnh lý thần kinh như động kinh, rối loạn tâm thần thì cần điều trị những bệnh lý đó - Mất ngủ cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ xảy ra hiện tượng mộng du. Bởi vậy người bệnh có thể sử dụng sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ
Lời kết
Mộng du làm giảm chất lượng giấc ngủ của người bệnh và gây ảnh hưởng tới những người xung quanh, có thể dẫn tới tình huống nguy hiểm khi người bệnh không tỉnh táo, không nhận thức được hành vi của mình. Vì vậy người bị mộng du nên sớm tìm cách khắc phục. Nếu hiện tượng này không giảm hoặc mộng du xảy ra thường xuyên thì nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và điều trị.