Bệnh thoát vị bẹn gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống bình thường của người bệnh. Thoát vị bẹn chiếm khoảng 80% trong tổng số các loại thoát vị và tỷ lệ xảy ra ở nam giới gấp 7 – 8 lần nữ giới.
Thoát vị bẹn là gì?
Thoát vị bẹn là tình trạng các tạng bên trong ổ phúc mạc rời khỏi vị trí và chui ra ngoài qua ống bẹn hay qua điểm yếu tự nhiên của thành bụng. Bệnh lý này có thể gặp ở cả hai giới nhưng tỷ lệ xảy ra ở nam giới cao hơn. Có 2 dạng thường gặp:
- Thoát vị gián tiếp: là yếu tố bẩm sinh do ống phúc tinh mạc
- Thoát vị trực tiếp: tạng và mỡ thừa đi qua các điểm yếu ở thành bẹn, chủ yếu do các yếu tố mắc phải như lao động quá sức, táo bón kéo dài,…
Nguyên nhân gây thoát vị bẹn
Nguyên nhân bẩm sinh
“Trong thời kỳ phôi thai, vào khoảng tháng thứ bảy, khi tinh hoàn di chuyển xuống bìu sẽ kéo theo nếp phúc mạc tạo thành một túi dạng ống gọi là ống phúc tinh mạc.” Bình thường khi trẻ sinh ra thì ống này đóng lại nhưng do những “sai sót” trong quá trình phát triển, sự tồn tại của ống phúc tinh mạc sẽ tạo nên túi thoát vị gián tiếp có sẵn, đây là điều kiện khiến nguy cơ bị thoát vị ở bẹn có nguy cơ mắc phải cao. Bệnh nhân có thể có các bệnh lý khác liên quan như u nang thừng tinh, tràn dịch tinh mạc.
Nguyên nhân mắc phải
Do sự suy yếu thành bụng, một số bệnh gây mất collagen cộng với sự gia tăng áp lực ở ổ bụng liên tục hoặc không liên tục nhưng kéo dài là yếu tố gây thoát vị bẹn:
- Táo bón kéo dài, u đại tràng
- Mô liên kết bị tổn hại do áp lực bên trong ổ bụng, hút thuốc lá, tuổi già
- Hẹp niệu đạo hoặc bướu lành ở tuyến tiền liệt gây khó tiểu
- Ho kéo dài
- Mang thai hoặc có khối u lớn trong ổ bụng
- Thừa cân
- Lao động nặng trong thời gian dài
Triệu chứng thoát vị bẹn
- Xuất hiện một khối phồng ở vùng bẹn bìu ở trẻ trai và vùng gần âm môi ở trẻ gái. Nhận biết khối phồng rõ ràng hơn khi trẻ khóc, rặn đại tiện hay sau vận động mạnh như chạy nhảy, thể dục. Khi nghỉ ngơi hay nằm thì khối thoát vị chui vào ổ bụng trở lại, cơ thể như bình thường
- Sờ vào khối phồng không đau nếu chưa có biến chứng nghẹt. Nếu bị nghẹt sẽ thấy đau và khối phồng căng cứng
- Khi sờ vào khối phồng có cảm giác lọc xọc nếu thành phần khối thoát vị là quai ruột và cảm giác chắc nếu đó là mạc nối
Thoát vị bẹn có nguy hiểm không?
Thoát vị bẹn không quá nguy hiểm nếu phát hiện và can thiệp sớm. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm:
Nghẹt ruột (thoát vị nghẹt)
Đây là biến chứng nguy hiểm và thường gặp nhất. Các tạng chứa đựng trong túi thoát vị không thể di chuyển trở lại về ổ phúc mạc và các mạch máu liên quan bị chèn ép và gây ra hoại tử do thiếu máu nuôi dưỡng. Tình trạng này thường do dính giữa các phần trong của túi với tạng, dính giữa cổ túi làm cho tạng không thoát ra được và tạng thoát vị phù nề biến dạng và dính với túi thoát vị nên không thể thoát ra được.
Thoát vị nghẹt khiến có một khối chất gây đau ở vùng bẹn, không thể xẹp được. Người bệnh bị nghẹt ruột, hoại tử ruột nếu không được điều trị sớm.
Nghẽn ruột (thoát vị kẹt)
Tạng thoát vị có thể chui xuống túi thoát vị nhưng không di chuyển lên bụng lại được do tạng thoát vị bị dính vào túi, hoặc các tạng thoát vị dính lại với nhau là nguyên nhân gây thoát vị kẹt. Các tạng và mạch máu bị chèn ép, bệnh nhân không bị đau và không gặp phải tình trạng tắc ruột, chỉ gây cảm giác vướng víu và dễ bị chấn thương hơn.
Chấn thương thoát vị
Trường hợp khối thoát vị có kích thước lớn và di chuyển xuống dưới khá thường xuyên. Những tác động từ bên ngoài có thể gây nên chấn thương như vỡ, dập các tạng bên trong.
Tắc ruột
Tình trạng tắc ruột thường gặp là ruột non, hiếm hơn là kết tràng, đôi khi có cả dạ dày. Khi có bệnh nhân vào viện với triệu chứng của tắc ruột nhưng không biết nguyên nhân do đâu điều quan trong đáng nhớ là cần khám kỹ các lỗ tự nhiên.
Phương pháp chẩn đoán thoát vị bẹn
Việc chẩn đoán và xác định thoát vị bẹn hầu như chỉ cần khám sức tiếp bằng cách nhìn hoặc sờ vào khối phồng ở bẹn to lên khi ho và xẹp khi nghỉ ngơi hoặc lấy tay dồn lên. Trường hợp khối thoát vị quá nhỏ cần sử dụng các kỹ thuật công nghệ khác gồm:
- Siêu âm: đánh giá vị trí và bên trong khối thoát vị, đo kích thước và đánh giá tình trạng tưới máu, nhằm giúp tiên lượng điều trị
- CT scanner: chẩn đoán chính xác tình hình hiện tại của bệnh nhân qua những biểu hiện rõ ràng trên màn hình scan
Chữa trị thoát vị bẹn như thế nào?
Tùy vào lứa tuổi của bệnh nhân thoát vị bẹn mà có phương pháp điều trị phù hợp. Đối với trẻ sơ sinh bị thoát vị bẹn bẩm sinh có thể chờ ống phúc tinh mạc tự bít lại. Với trẻ nhỏ và người lớn thường được chỉ định phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở:
- Phẫu thuật nội soi: dễ dàng nhận thấy ống dẫn tinh và mạch máu nuôi tinh hoàn, đồng thời có thể khâu lại ống phúc tinh mạc mà không đụng chạm đến ống dẫn tinh hoặc mạch máu nuôi tinh hoàn. Đồng thời cũng có tính thẩm mỹ cao. Bác sĩ sẽ đưa ống nội soi và các dụng cụ kỹ thuật qua đường rạch rất nhỏ ở vùng bụng để thực hiện.
- Phẫu thuật mở: nguy cơ tái phát thoát vị sau khi tiến hành là rất thấp, tuy nhiên thời gian hồi phục của bệnh nhân chậm hơn so với phẫu thuật nội soi
Đối với bệnh nhân cao tuổi, già yếu hoặc mắc nhiều bệnh lý nội khoa không thể phẫu thuật có thể sử dụng băng treo bìu. Phương pháp này chỉ sử dụng cho khối thoát vị có kích thước nhỏ và đôi khi có thể gây nghẹt tạng thoát vị.
Lời kết
Bệnh thoát vị bẹn có khả năng xảy ra ở nam giới cao hơn nhiều lần so với nữ giới. Túi thoát vị ở người lớn không có khả năng tự lành mà có khuynh hướng ngày càng to ra. Bởi vậy người bệnh cần điều trị sớm để ngăn những biến chứng nguy hiểm như tắc ruột, nghẹt ruột,…Hy vọng bài viết trên đã chia sẻ với bạn những kiến thức hữu ích về bệnh lý này.