Theo thống kê, mỗi năm thế giới có hơn 60.000 ca mắc mới bệnh viêm não Nhật Bản. Trong các trường hợp đó, tỷ lệ tử vong chiếm 25% – 30% và 50% có di chứng nặng sau điều trị. Tại Việt Nam, viêm não Nhật Bản đang là căn bệnh nguy hiểm, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng cộng đồng.

Viêm não Nhật Bản là gì?

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền qua đường máu, gây nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương do virus viêm não Nhật Bản thuộc nhóm B họ Togaviridae, giống Flavivirus gây ra. Loài động vật mang mầm bệnh viêm não Nhật Bản thường là gia súc như lợn, trâu bò, ngựa,… và chim hoang dã.

Con người bị lây nhiễm viêm não Nhật Bản chủ yếu qua đường muỗi đốt. Muỗi hút máu các loài động vật nhiễm bệnh và mang mầm bệnh truyền sang người.

Ở Việt Nam, loài muỗi truyền bệnh thường là muỗi Culex có mật độ cao ở các vùng đồng bằng và trung du, hoạt động mạnh vào buổi tối. Mùa hè (chủ yếu từ tháng 3 đến tháng 7) là khoảng thời gian muỗi sinh sản mạnh nhất.

Ai có nguy cơ mắc viêm não Nhật Bản?

Bệnh viêm não Nhật Bản có nguy cơ xảy ra với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi và giới tính, chưa có miễn dịch với vi rút viêm não Nhật Bản. Đặc biệt là trẻ em dưới 15 tuổi và những người chưa được tiêm phòng viêm não Nhật Bản.

Do nguồn lây nhiễm căn bệnh này là từ muỗi hút máu của các loài động vật mang virus. Vì vậy có thể coi viêm não Nhật Bản là một bệnh có ổ dịch thiên nhiên ở khắp nơi.

Triệu chứng viêm não Nhật Bản

Thời gian ủ bệnh viêm não Nhật Bản kéo dài khoảng từ 5 – 14 ngày, trung bình khoảng 1 tuần. Giai đoạn này, người bệnh không có bất kỳ biểu hiện nào. Chỉ đến giai đoạn khởi phát mới bộc lộ những triệu chứng rõ ràng.

Giai đoạn khởi phát

Bệnh khởi phát đột ngột, gây sốt cao 39 – 40 độ C. Người bệnh còn gặp các triệu chứng như đau đầu, đau bụng, nôn và buồn nôn. Bệnh diễn tiến nhanh, trong 1 – 2 ngày đầu đã xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn vận động nhãn cầu, lú lẫn hoặc mất ý thức, phản xạ gân xương tăng, xung huyết giãn mạch rõ.

Triệu chứng viêm não Nhật Bản ở một số trẻ nhỏ còn là đi lỏng, đau bụng, nôn giống như ngộ độc ăn uống. Giai đoạn này của bệnh là lúc virus đa vượt qua hàng rào mạch máu – não và gây phù não, gây ra các biểu hiện hội chứng màng não.

Giai đoạn toàn phát

Đây là giai đoạn bệnh phát triển mạnh nhất, các triệu chứng tăng mức độ nghiêm trọng. Từ ngày thứ 3 – 4 đến ngày thứ 6 – 7 của bệnh, virus xâm nhập vào nhu mô não gây phá hủy các tế bào thần kinh triệu chứng nổi bật trong giai đoạn toàn phát là sự xuất hiện các triệu chứng tổn thương não và tổn thương thần kinh khu trú.

Bước sang ngày thứ 3 – 4, các triệu chứng không giảm mà còn tăng lên. Người bệnh chuyển dần từ trạng thái mê sảng kích thích, rối loạn ý thức dần dần đi vào hôn mê sâu. Các dấu hiệu rối loạn thần kinh thực vật đi kèm là vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ, lúc tái, rối loạn nhịp thở và tăng tiết trong lòng khí phế quản, mạch thường nhanh, yếu, huyết áp tăng.

Bệnh nhân cuồng sảng, ảo giác, kích động, tăng trương lực cơ làm cho bệnh nhân nằm co quắp và có các cơn xoắn vặn, co giật cứng hoặc giật rung các cơ mặt và cơ chi. Một số bệnh nhân xuất hiện trạng thái định hình, giữ nguyên tư thế.

Giai đoạn lui bệnh

Thông thường, bước sang tuần thứ 2, khoảng vào ngày thứ 10 nếu không có tình trạng bội nhiễm bệnh sẽ thuyên giảm dần. Thân nhiệt giảm, hạ sốt, hội chứng não – màng não, rối loạn thần kinh thực vật cũng mất dần.

Tuy nhiên, người bệnh thường phải đối mặt với các di chứng, biến chứng khá nặng nề. Có thể biểu hiện di chứng tâm thần, dấu hiệu thần kinh khu trú như liệt tay chân, các dây thần kinh sọ.

Biến chứng bệnh viêm não Nhật Bản

Bệnh viêm não Nhật Bản nếu không nhận biết sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Viêm bể thận – bàng quang
  • Loét nhiễm trùng
  • Rối loạn chuyển hóa
  • Rối loạn tâm thần
  • Một số di chứng muộn có thể xuất hiện sau vài năm hoặc vài chục năm như động kinh hoặc parkinson

Phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản là căn bệnh nguy hiểm, là mối hiểm họa đe dọa sức khỏe cộng đồng. Thống kê cho thấy bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong cao: 25% ở các nước nhiệt đới và 50% người bệnh có các di chứng thần kinh – tâm thần. Để phòng ngừa căn bệnh này thì bạn hãy nhớ những điều sau:

  • Tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch. Trẻ em từ 12 tháng tuổi sẽ tiêm mũi đầu tiên, mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất từ 1 – 2 tuần, mũi thứ 3 tiêm sau mũi 2 một năm
  • Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, dọn dẹp phòng ốc và xung quanh nhà cửa để ngăn chặn nơi trú ngụ của muỗi
  • Luôn bỏ màn khi ngủ, đặc biệt là với trẻ em
  • Thực hiện các biện pháp phòng chống và tiêu diệt muỗi trong nhà. Bạn có thể sử dụng các sản phẩm xịt côn trùng, xịt muỗi như:

Tinh dầu đuổi muỗi Nhật Bản

Xịt chống muỗi và côn trùng Skin Vape

Xịt chống muỗi Pediakid Bouclier Insect

Lời kết

Bệnh viêm não Nhật Bản không chỉ là nỗi lo của riêng gia đình nào mà là mối hiểm họa và vấn đề đáng lo ngại của toàn xã hội. Bởi vậy mọi người nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Khi có bất kỳ triệu chứng nào hãy đến ngay trung tâm y tế để được điều trị kịp thời.

THAM VẤN Y KHOA: DƯỢC SĨ HÀ HẰNG