Viêm tai giữa là căn bệnh không hề hiếm gặp mà ngược lại tỷ lệ người mắc hiện nay ngày càng tăng cao, phổ biến nhất là ở trẻ em. Nghiên cứu cho thấy có khoảng 50-85% trẻ em dưới 3 tuổi trên thế giới đã từng mắc viêm tai giữa ít nhất 1 lần, có trẻ bị tái đi tái lại nhiều lần.
Bệnh viêm tai giữa ảnh hưởng trực tiếp đến thính lực, khả năng nghe của bạn nên việc phát hiện sớm các triệu chứng là điều cần thiết, tăng khả năng chữa trị khỏi bệnh.
Viêm tai giữa là gì?
Tai người có cấu tạo gồm 3 phần là tai ngoài, tai giữa và tai trong. Viêm tai giữa hay còn gọi là nhiễm trùng tai giữa, là tình trạng tổn thương và viêm nhiễm trong tai giữa, viêm toàn bộ hệ thống hòm nhĩ và xương chũm (nằm ở sau màng nhĩ).
Viêm tai giữa có 2 dạng:
- Viêm tai giữa cấp: là sự viêm nhiễm dai dẳng ở tai giữa
- Viêm tai giữa có dịch tiết: tai giữa có dịch không nhiễm trùng trong hơn ba tháng
Viêm tai giữa là một trong những bệnh thường gặp nhất ở trẻ em, đứng thứ 2 chỉ sau các bệnh về viêm nhiễm đường hô hấp. Nếu không điều trị kịp thời bệnh có thể diễn tiến nhanh chóng, dẫn đến viêm tai xương chũm cấp rất nguy hiểm.
Nguyên nhân gây bệnh viêm tai giữa
Nguyên nhân do vòi nhĩ
Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em thường xảy ra do sự chưa trưởng thành trong cấu trúc, chức năng của vòi nhĩ. Vòi nhĩ (hay ống Eustachi) là đường ống thông tai giữa với vòm mũi họng. Nó có tác dụng thông khí, cân bằng áp lực trong tai với môi trường. Tuy nhiên cũng là con đường lây nhiễm vi khuẩn từ mũi họng đến tai giữa.
Ở người lớn, vòi nhĩ luôn xẹp và chỉ mở khi ngáp hoặc nuốt. Thế nhưng ở trẻ em, vòi nhĩ nằm ngang, khá rộng và thẳng, lỗ vòi nhĩ luôn thẳng là con đường để vi khuẩn từ mũi họng tấn công lên tai.
Bên cạnh đó, sự rối loạn chức năng vòi nhĩ, tắc vòi nhĩ cũng có thể gây ra bệnh viêm tai giữa. Tắc vòi nhĩ thường xảy ra do vòi nhĩ quá mềm, cơ chế mở vòi không bình thường hoặc do cả hai.
Nguyên nhân viêm nhiễm cấp tính ở mũi họng
Viêm nhiễm cấp tính ở mũi họng khiến vi khuẩn theo vòi nhĩ đi lên tai, gây viêm vòi nhĩ và tai giữa. Vòi nhĩ bị viêm tắc lại, khiến dịch viêm trong tai giữa không thoát ra được. Một số bệnh trong nhóm này như cúm, sởi, viêm xoang, viêm amidan,…Hầu hết trẻ em mắc những bệnh này thường kèm theo viêm tai giữa.
Nguyên nhân lỗ vòi và vòi nhĩ bị bít tắc
Một số nguyên nhân khiến lỗ vòi và vòi nhĩ bị bít tắc:
- Do khối u trong ung thư vòm mũi họng, ung thư amidan chèn ép vào lỗ vòi
- Do amidan quá phát, to ra bít vào lỗ vòi
- Do dị ứng làm niêm mạc vòi nhĩ bị phù nề, gây tắc vòi nhĩ
Lúc này, áp lực trong tai giữa bị giảm so với môi trường gây ra sự mất cân bằng áp lực. Vì thế khiến tai chảy dịch, gây viêm.
Nguyên nhân do chấn thương
Bệnh viêm tai giữa có thể xảy ra do chấn thương khiến tai giữa bị tổn thương:
- Vệ sinh tai thô bạo, sử dụng vật sắc nhọn làm rách màng nhĩ
- Dụng cụ vệ sinh tai đã bị nhiễm khuẩn, không đảm bảo an toàn, điều này đặc biệt thường gặp ở những cơ sở lấy ráy tai
- Chấn thương tai do sức ép từ tiếng nổ, âm thanh lớn vượt quá ngưỡng chịu đựng của con người
Nguyên nhân do thay đổi áp lực đột ngột
Tính chất nghề nghiệp đặc thù như phi công, thợ lặn hay những người bị viêm xoang mũi, viêm họng khi đi máy bay, áp lực thay đổi đột ngột cũng dễ bị viêm tai giữa hơn.
Triệu chứng bệnh viêm tai giữa
Triệu chứng bệnh viêm tai giữa ở người lớn
- Đau tai, có thể kèm theo nhói hoặc giật giật ở tai
- Một số trường hợp người bệnh bị đau lan lên cả phần đầu khiến cho một tai hoặc cả hai tai tế cứng, khi sờ vào thấy hơi sưng và nóng
- Tai bị ù
- Giảm khả năng nghe, nghe không rõ, hay thấy trong tai có cảm giác ọc ọc như có nước
- Tai chảy dịch mủ, khi thời tiết thay đổi hoặc chuyển mùa thì tần suất chảy dịch càng nhiều. Chất dịch có màu vàng, với bệnh nhân bị viêm tai xương chũm thì dịch có mùi rất hôi và khó chịu
Triệu chứng bệnh viêm tai giữa ở trẻ em
Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em có những dấu hiệu sau:
- Trẻ sốt cao, thường lên tới 39 – 40 độ C
- Trẻ hay quấy khóc kèm bỏ ăn, kém ăn, nôn trớ, bỏ bú
- Nếu là trẻ lớn sẽ kêu đau tai, với trẻ nhỏ hơn sẽ lắc đầu liên tục kèm hành động cho tay vào trong tai
- Trẻ bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, triệu chứng này gần như xuất hiện đồng thời với triệu chứng sốt
- Trằn trọc khó ngủ, khó chịu khi nằm xuống
- Trẻ không giữ đầu thăng bằng và hay nghiêng phần đầu sang một bên
Biến chứng của bệnh viêm tai giữa
Viêm tai giữa cấp tính nếu không điều trị sẽ tiến triển thành viêm tai giữa mãn tính, có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng:
- Viêm tai xương chũm
- Viêm mê nhĩ
- Liệt dây thần kinh số 7
- Xơ nhĩ, xẹp nhĩ
- Viêm màng não, áp xe não
Điều trị bệnh viêm tai giữa
Điều trị viêm tai giữa nhằm ngăn chặn sự tiến triển của bệnh lý mãn tính, phục hồi các cơ quan trong tai trở về trạng thái bình thường (như viêm tai dính, xơ nhĩ, túi co kéo màng nhĩ hay xẹp nhĩ), phục hồi thính lực và ngăn bệnh tái phát.
2 phương pháp điều trị bệnh viêm tai giữa hiện nay:
Điều trị nội khoa
Bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh, kháng histamin, thuốc chống phù nề, thuốc nhỏ mũi, corticoid, bơm hơi vòi nhĩ sẽ giúp cải thiện thính lực ngay trong thời gian ngắn. Việc dùng thuốc phải tuân theo chỉ định của bác sĩ, nếu lạm dụng có thể gây chấn thương loa vòi và gây nhiễm trùng ngược dòng.
Một số trường hợp viêm tai nhưng dùng thuốc kháng sinh không hiệu quả sẽ phải chích rạch màng nhĩ để đặt ống thông nhĩ Diablo.
Thời gian điều trị thường diễn ra tối thiểu 8 ngày. Nếu màng nhĩ không có dấu hiệu bị thủng thì sẽ dùng thuốc nhỏ tai. Nếu màng nhĩ thủng có thể nhỏ tai trong 3 – 4 ngày đầu (loại không độc cho tai).
» Tham khảo: Thuốc nhỏ tai là gì? Thận trọng khi sử dụng để tránh biến chứng
Điều trị ngoại khoa
Trường hợp viêm tai giữa kèm dấu hiệu viêm đường hô hấp trên do viêm amidan, viêm mũi họng,…người bệnh được tiến hành nạo VA, cắt amidan khi có viêm amidan và viêm mũi họng tái đi tái lại. Phương pháp hiệu quả nhất là đặt ống thông khí.
Phòng ngừa bệnh viêm tai giữa
Đối với người lớn
- Chú ý vệ sinh tai nhẹ nhàng, không dùng các dụng cụ sắc nhọn, tránh chà xát mạnh làm tổn thương tai
- Không để nước bẩn vào trong tai (đặc biệt khi đi bơi và gội đầu). Nếu xảy ra hãy nghiêng đầu để nước chảy hết và dùng bông gòn sạch vệ sinh tai
- Nếu mắc các bệnh lý về mũi họng nên điều trị dứt điểm
Đối với trẻ em
- Thường xuyên vệ sinh tai cho trẻ đúng cách
- Vệ sinh tay sạch sẽ, cắt gọn móng tay để trẻ không vô tình làm tổn thương tai. Đồng thời đảm bảo đồ chơi của trẻ sạch sẽ
- Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch
- Khi cho trẻ bú bình hãy giữ trẻ ngồi thẳng và tránh cho bú khi đang nằm
Lời kết: Bệnh viêm tai giữa rất nguy hiểm, có thể gây suy giảm thính lực và dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng khác. Nếu có triệu chứng của bệnh mọi người không nên chủ quan mà hãy cần sớm tìm biện pháp điều trị. Tốt hơn là đến cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán, thăm khám kịp thời.