Chắc chắn mọi người đã đều nghe đến ký sinh trùng nhưng ít ai có tâm lý chủ động đề phòng, bảo vệ sức khỏe bản thân trước loài ký sinh nguy hiểm này. Tìm hiểu những dấu hiệu cảnh báo nhiễm ký sinh trùng cũng như những bệnh liên quan đến sinh vật ký sinh sẽ giúp bạn phòng tránh những hệ quả khôn lường.

Ký sinh trùng là gì?

Ký sinh trùng là những sinh vật muốn tồn tại phải sống nhờ vào sinh vật đang sống khác như động vật, thực vật và con người. Những loài sinh vật bị ký sinh được gọi là vật chủ. Ký sinh trùng sẽ lấy sinh chất của vật chủ để tồn tại và phát triển.  

Ký sinh trùng được chia thành 3 loại chính:

  • Các động vật nguyên sinh: là loại động vật đơn bào, lớn lên và sinh sản bằng việc phân chia, nhân đôi
  • Giun, sán: sống ký sinh trong nội tạng cơ thể người (giun đũa, giun kim và sán lá gan,…)
  • Ectoparasites: sống ký sinh ngoài cơ thể của vật chủ là bọ chét, rận, chấy,…

Ký sinh trùng ở người

Ký sinh trùng ký sinh trên cơ thể con người có nhiều hình thức như:

  • Ký sinh hoàn toàn (còn gọi là ký sinh bắt buộc suốt đời như  giun đũa, giun tóc, giun móc) hoặc ký sinh không hoàn toàn: là hình thức ký sinh tạm thời
  • Nội ký sinh: ký sinh bên trong cơ thể người như sán dây, sán lá gan,..hoặc ký sinh bên ngoài cơ thể như bám vào da, hút máu qua da. Có loài sinh vật ký sinh trùng trên da, có loại ký sinh dưới da
  • Ký sinh trùng có thể chỉ ký sinh trên một loài vật chủ nhất định, nếu lạc chỗ sẽ không tồn tại được như giun đũa hoặc có khả năng ký sinh và phát triển trên nhiều vật chủ khác nhau như sán lá phổi, sán lá gan,…

Ký sinh trùng ở người sinh sản và phát triển như thế nào?

Sự sinh sản của ký sinh trùng ở người

Ký sinh trùng ở người có nhiều hình thức sinh sản như:

  • Sinh sản vô tính bằng cách nhân đôi tế bào, không cần có sự giao phối. Hình thức sinh sản này thường gặp các ký sinh trùng đơn bào như trùng roi, amip, ký sinh trùng sốt rét,…
  • Sinh sản hữu tính bằng cách giao phối giữa con đực và con cái, chẳng hạn như giun đũa, giun móc, giun kim,…Những loài ký sinh trùng lưỡng giới, trên cơ thể chúng có cả bộ phận sinh dục đực và bộ phận sinh dục cái để giao phối
  • Sinh sản đa phôi: là kết quả của sinh sản hữu tính, trứng nở ra ấu trùng -> ấu trùng phát triển thành nang ấu trùng -> nang ấu trùng có rất nhiều mầm sinh ra thế hệ ấu trùng thứ 2 -> ấu trùng thế hệ thứ 2 sinh ra ấu trùng thế hệ thứ 3, khi gặp vật chủ thích hợp sẽ phát triển thành sán. Hình thức này đặc biệt thường thấy ở sán lá dây

Giai đoạn phát triển của ký sinh trùng ở người

Ký sinh trùng ở người có nhiều loại chu kỳ sống và phát triển khác nhau:

  • Kiểu chu kỳ: người←→ngoại giới: trứng của ký sinh trùng được bài tiết ra ngoài môi trường, sau đó phát triển thành ấu trùng. Nếu người vô tình ăn phải thức ăn hoặc uống nước có chứa trứng giun, ấu trùng sẽ phát triển trong ruột và di chuyển đến những bộ phận khác trong cơ thể
  • Kiểu chu kỳ: người → ngoại giới → vật chủ trung gian → người. Trứng của ký sinh trùng khi thoát ra ngoài qua đường bài tiết, gặp môi trường thích hợp sẽ nở thành ấu trùng. Ấu trùng tìm vật chủ ký sinh (chẳng hạn như trong các loại ốc, cá..). Con người nếu ăn phải những thực phẩm chứa nang trùng chưa được nấu chín, ấu trùng sẽ xâm nhập và cơ thể, sinh sôi và phát triển
  • Kiểu chu kỳ: người → ngoại giới → vật chủ trung gian → ngoại giới → người. Ví dụ như sán máng (sán máu), trứng sán máng ra ngoài theo phân hay nước tiểu, rơi xuống nước nở thành ấu trùng lông để chui vào ốc. Ấu trùng đuôi thoát ra từ ốc, bơi trong nước và chui qua da người vào máu
  • Kiểu chu kỳ: người → vật chủ trung gian → người, chẳng hạn ấu trùng truyền từ người này sang người khác qua vật chủ trung gian là muỗi
  • Kiểu chu kỳ: người ←→ người, ví dụ trùng roi hoặc những loại ký sinh trùng ở vùng kín có thể truyền từ người này sang người khác khi quan hệ, ghẻ truyền khi tiếp xúc

Dấu hiệu cảnh báo nhiễm ký sinh trùng

Các vấn đề về da

Một số loài ký sinh trùng khi xâm nhập vào cơ thể gây ra các vấn đề về da. Chẳng hạn như phát ban đỏ, chàm, dị ứng, mẩn ngứa,…Hơn nữa, chất thải của ký sinh trùng tích tụ dưới da làm tăng eosinophils trong máu. Vì thế dễ gây tổn thương da, các bệnh lở loét, sưng tấy trên da.

Các vấn đề về tiêu hóa

Một trong những dấu hiệu cảnh báo nhiễm ký sinh trùng đó là các vấn đề về tiêu hóa. Lý do là đường ruột, dạ dày hay các cơ quan khác trong hệ tiêu hóa là nơi trú ngụ lý tưởng của các loài vi sinh vật ký sinh trên cơ thể con người.

Người bệnh gặp các vấn đề như chán ăn, nôn và buồn nôn, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, chướng bụng, cảm giác dạ dày nóng rát,…

Luôn có cảm giác thèm ăn

Các loài ký sinh trùng đã chiếm lấy dưỡng chất từ vật chủ. Một lượng thức ăn mà cơ thể nạp vào đã bị các loài sinh vật này tiêu thụ. Vì thế người bị nhiễm ký sinh trùng sẽ luôn có cảm giác đói bụng, thèm ăn dẫn đến thói quen ăn uống bị thay đổi đột ngột. Đặc biệt là khi ăn nhiều lên nhưng không có dấu hiệu tăng cân.

Cơ thể mệt mỏi

Giun sán, ký sinh trùng lấy đi một lượng lớn chất dinh dưỡng trong cơ thể. Chưa kể chúng gây hại và tác động, làm suy giảm chức năng, hoạt động của các cơ quan khác. Do đó, bạn sẽ cảm thấy cơ thể mệt mỏi, ngay cả khi đã ăn uống và ngủ nghỉ hợp lý.

Thiếu máu

Cơ thể bị lây nhiễm sán lá gan, giun tròn đường ruột hay giun đũa có thể khiến cơ thể bị thiếu chất sắt. Thiếu sắt khiến khả năng sản xuất hồng cầu và tạo máu bị suy giảm, người bệnh sẽ bị thiếu máu.

Thay đổi tâm tính

Trong ruột non có chứa các nơron thần kinh và các chất dẫn truyền dây thần kinh. Khi ký sinh trùng tấn công đường ruột và thải ra chất thải, chất độc tại đây sẽ khiến bệnh nhân luôn có cảm giác nặng nề, căng thẳng. Do đó, tâm tính người bệnh cũng thay đổi, dễ lo lắng, bất an.

5 bệnh ký sinh trùng thường gặp ở người

Bệnh sán lá gan

Con đường lây truyền

Người bệnh có thể bị nhiễm sán lá gan do ăn phải thức ăn, uống nước có chứa trứng và ấu trùng sán khiến chúng xâm nhập vào gan và mật của người bệnh. 

Triệu chứng

  • Bệnh sán lá gan bé: người bệnh thấy chán ăn, đầy hơi, khó tiêu, gặp các vấn đề về đường ruột dẫn đến tiêu chảy, táo bón. Ở giai đoạn bệnh diễn tiến nặng sẽ thấy đau nhói vùng gan, thiếu máu, vàng da
  • Bệnh sán lá gan lớn: thường gặp ở người già và trẻ em. Ban đầu xuất hiện những cơn sốt rét run bất thường. Về sau kèm theo các triệu chứng như ho, khó thở, đau bụng và vùng bẹ sườn, cảm giác buồn nôn, tiêu hóa kém

Tác hại

Bệnh sán lá gan khiến gan bị xơ hóa, mỡ gan bị thoái hóa, cổ chướng. Nếu không điều trị sớm có thể dẫn đến ung thư gan. Sán lá gan còn có thể làm tắc ruột, chất thải của ký sinh trùng này khiến cơ thể người bệnh thiếu máu, xanh xao, dị ứng

Bệnh giun đầu gai

Con đường lây truyền

Bệnh giun đầu gai do ký sinh trùng Gnathostoma spinigerum thường có ở chó mèo, chim, cá,…Khi bệnh nhân tiếp xúc với nguồn lây nhiễm, ấu trùng sẽ xâm nhập vào cơ thể. Một con đường lây truyền khác đó là ăn uống các thực phẩm chưa được tiêu diệt hoàn toàn ấu trùng. Nói cách khác là những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn.

Triệu chứng

  • Suy nhược cơ thể
  • Mệt mỏi
  • Lên cơn sốt
  • Nổi mề đay
  • Chán ăn
  • Tiêu chảy, nôn mửa

Tác hại

Nếu ấu trùng ký sinh ở phổi sẽ gây ra ho, đau tức ngực. Cơ thể người bệnh có thể xuất hiện các khối u di động dưới da gây đau ngứa, sưng phồng, tạo thành các ổ áp xe. Trường hợp nghiêm trọng nhất là ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây viêm não, liệt chi, nặng nhất là tử vong

Bệnh nhiễm sán dây

Nhiễm sán dây là bệnh ký sinh trùng thường gặp. Hiện nay các bệnh viện đã ghi nhận các các bệnh liên quan đến sán dây ngày một tăng. 

Con đường lây truyền

Sán dây thường có trong các loại thịt heo, thịt bò,…Nếu ăn những loại thịt tái, chưa được nấu chín hoàn toàn hoặc tiếp xúc với ấu trùng sán dây trong nguồn nước, hoặc bám trên các loại rau chưa rửa sạch đều có thể khiến bạn nhiễm bệnh.

Triệu chứng

Người nhiễm sán dây sẽ gặp các triệu chứng rối loạn tiêu hóa: đau bụng ở vùng hồi tràng, tiêu chảy. Người bệnh thấy mệt mỏi, chán ăn, bứt rứt, có thể bị tắc ruột

Tác hại

Cơ thể người bệnh mệt mỏi, suy nhược, luôn trong trạng thái căng thẳng, khó tập trung và có tình trạng thiếu máu. 

Giun đũa, giun kim

Con đường lây truyền

Giun đũa, giun kim ký sinh trong đường tiêu hóa của người nhiễm bệnh. Chúng xâm nhập vào cơ thể thông qua việc ăn uống các thực phẩm chứa ấu trùng gây bệnh hoặc thói quen đưa tay bẩn lên miệng,…

Triệu chứng và tác hại

  • Chán ăn
  • Buồn nôn
  • Đau bụng, đi ngoài phân lỏng
  • Ngứa ngáy khó chịu ở rìa hậu môn do giun kim đẻ trứng
  • Với trẻ em thường hay quấy khóc đêm, đái dầm
  • Giun kim đi lạc có thể dẫn đến viêm cơ quan sinh dục, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ, gây viêm phổi
  • Biến chứng nguy hiểm nhất là gây viêm ruột thừa, thủng ruột

Ký sinh trùng sốt rét

Con đường lây truyền 

Ký sinh trùng Plasmodium gây bệnh sốt rét thường lây truyền bởi loài muỗi Anopheles. Khi muỗi cái đốt người nhiễm bệnh sốt rét và tiếp tục đốt người khỏe mạnh bình thường thì nó sẽ mang mầm bệnh đi lây truyền. Khi ký sinh trùng Plasmodium vào máu nó sẽ di chuyển đến gan sau đó trở lại vào máu để xâm nhập vào các tế bào hồng cầu. Sau một thời gian, các tế bào hồng cầu bị nhiễm ký sinh trùng sẽ vỡ và phát tán thêm nhiều ký sinh trùng vào máu.

Triệu chứng và tác hại

Khi bị ký sinh trùng Plasmodium xâm nhập vào cơ thể, người bệnh xuất hiện những cơn sốt rét với hàng loạt các triệu chứng rét run toàn thân, môi tái, nổi da gà, gan, tụt huyết áp, khó thở, vàng da, vàng mắt, lá lách to bất thường,…

» Xem thêm: Bệnh sốt rét lây truyền như thế nào? Triệu chứng và cách phòng ngừa?

Biện pháp phòng tránh nhiễm ký sinh trùng

  • Giữ vệ sinh cá nhân, cắt móng tay, móng chân gọn gàng, sạch sẽ, không đưa tay lên miệng
  • Luôn rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
  • Thực hiện ăn chín uống sôi, hạn chế những đồ tái, sống vì rất dễ lây nhiễm giun sán
  • Sơ chế thực phẩm kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn trước khi chế biến
  • Hạn chế ăn uống ngoài hàng quán, vỉa hè, những nơi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
  • Khám sức khỏe định kỳ và tẩy giun mỗi 6 tháng/lần

» Tham khảo: Top 5 thuốc tẩy giun tốt nhất và hướng dẫn sử dụng hiệu quả

Lời kết: Nhiễm ký sinh trùng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng. Để phòng tránh bệnh mọi người cần đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh, nên chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn VSATTP. Nếu phát hiện cơ thể có dấu hiệu nhiễm giun sán nên đến gặp bác sĩ sớm để thăm khám và điều trị nhé.