Bệnh bạch hầu là một trong những bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường hô hấp. Bệnh dễ lây lan từ người này qua người khác, có khả năng cao bùng phát thành dịch bệnh.

Bệnh bạch hầu là bệnh gì?

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae (thường gọi là vi khuẩn bạch hầu) gây ra. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi.

Bệnh bạch hầu là một bệnh vừa nhiễm trùng, vừa nhiễm độc. Các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu

Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae là nguyên nhân gây bệnh bạch hầu. Vi khuẩn bạch hầu có 3 tuýp là Gravis, Mitis và Intermedius. Vi khuẩn bạch hầu tiết ra các độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể.

Bệnh bạch hầu lây truyền qua đường nào?

Bệnh bạch hầu dễ dàng lây lan từ người sang người qua đường hô hấp. Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu nằm ở người bệnh và cả người lành mang vi khuẩn. Đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh.

Bệnh có thể lây lan trực tiếp qua đường tiếp xúc trực tiếp khi người bệnh ho, hắt hơi, trò chuyện, các hạt nước li ti chứa vi khuẩn sẽ phát tán ra ngoài không khí khiến người khỏe mạnh hít vào hoặc lây gián tiếp khi tiếp xúc với vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Khi vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae xâm nhập vào cơ thể có thể chưa gây ra các triệu chứng ngay. Tuy nhiên, người đã nhiễm khuẩn vẫn có khả năng lây truyền vi khuẩn cho người khác sau khoảng 6 tuần, kể từ khi bắt đầu nhiễm khuẩn.

Vi khuẩn bạch hầu ảnh hưởng rất nhiều đến mũi và họng. Khi người bệnh nhiễm khuẩn, vi khuẩn sẽ giải phóng ra độc tố. Độc tố này sẽ xâm nhập vào dòng máu, gây ra các lớp màng dày, màu xám ở mũi, họng, lưỡi và đường thở (khí quản)

Đối tượng nào dễ mắc bệnh bạch hầu?

  • Bất kỳ đối tượng nào có tiếp xúc với người bị nhiễm bạch hầu, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi và người trên 60 tuổi
  • Người chưa được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch
  • Người đi du lịch đến các vùng dịch tễ của bệnh bạch hầu
  • Người mắc các rối loạn miễn dịch, chẳng hạn như AIDS sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn Corynebacterium diphtheriae
  • Người đã tiêm vắc xin nhưng không tiêm nhắc lại sau thời gian quy định vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh
  • Người sống trong điều kiện đông đúc, chật hẹp, môi trường không đảm bảo

Dấu hiệu nhận biết bệnh bạch hầu

Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh mà dấu hiệu nhận biết từng dạng bệnh bạch hầu khác nhau.

Bệnh bạch hầu mũi trước

Đây là dạng bệnh thể nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu. Bệnh nhân có biểu hiện sổ mũi, chảy dịch mũi có chất mủ nhầy, đôi khi có máu. Đa phần người bệnh thường nhầm lẫn với các bệnh về mũi do cảm cúm thông thường nên khó nhận biết.

Bệnh bạch hầu họng và amidan

Người bệnh mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 2-3 ngày, sẽ xuất hiện một đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amiđan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng. Một số bệnh nhân có triệu chứng bệnh bạch hầu là sưng nề vùng dưới hàm và các hạch vùng cổ. Trường hợp bệnh nặng có thể dẫn đến hôn mê. Nếu không điều trị kịp thời sẽ đe dọa đến tính mạng.

Bệnh bạch hầu thanh quản

Thể bệnh này diễn tiến nhanh và vô cùng nguy hiểm. Biểu hiện bệnh gồm sốt, ho, khàn tiếng. Tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống xuất hiện lớp giả mạc. Các giả mạc này có thể gây tắc đường thở khiến bệnh nhân suy hô hấp và có nguy cơ tử vong nhanh chóng.

Bệnh bạch hầu các vị trí khác

Vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae có thể gây loét ở da, niêm mạc như niêm mạc mắt, âm đạo hay ống tai. Thể bệnh bạch hầu này thường hiếm gặp và ở thể nhẹ, có thể điều trị hiệu quả.

Bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào?

Bệnh bạch cầu là bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao, khoảng 5 – 10%, có thể tăng cao đến 20% ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.

Khi mắc bệnh, nếu người bệnh không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm cơ tim, yoorn thương hệ thần kinh, suy hô hấp, trụy tim mạch, thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.

Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có triệu chứng sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, dẫn đến tê liệt hoàn toàn. Bệnh hoàn toàn có thể diễn tiến trầm trọng khiến người bệnh tử vong trong vòng 6-10 ngày.

Chữa trị bệnh bạch hầu

Người mắc bệnh bạch hầu sẽ được chỉ định tiêm loại thuốc giải độc tố đặc hiệu để chống lại độc tố của vi khuẩn, kết hợp với các loại thuốc kháng sinh để ức chế hoạt động, ngăn chặn sự sinh sôi và phát triển của vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Trường hợp bệnh quá nặng cần phải can thiệp bằng cách mở đường thở, hỗ trợ hô hấp, đặt máy tạo nhịp cho tim…

Phòng ngừa bệnh bạch hầu

Tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh bạch hầu là cách phòng tránh bệnh tốt nhất, hiệu quả cao nhất hiện nay. Bạn cần tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Thông thường, miễn dịch bảo vệ sau tiêm vắc xin sẽ kéo dài khoảng 10 năm, sau đó giảm dần theo thời gian. Vì vậy dù đã tiêm nhưng sau đó bạn vẫn cần tiêm nhắc lại.

Bên cạnh đó, mỗi người cần nhớ những điều sau để ngăn ngừa bệnh bạch hầu cũng như nhiều bệnh lây truyền khác:

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn
  • Giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, đặc biệt là mắt – mũi – họng
  • Che miệng khi ho hoặc hắt hơi, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh
  • Tránh đến nơi có dịch tễ bạch hầu hoặc tụ tập đông người
  • Sử dụng TPCN chăm sóc sức khỏe để tăng cường đề kháng, nâng cao miễn dịch

Lời kết

Bệnh bạch hầu là một trong những bệnh nhiễm trùng có khả năng lây truyền qua đường hô hấp. Người bệnh nếu không phát hiện và điều trị sớm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nguy cơ dẫn đến biến chứng gây tử vong. Bởi vậy, mỗi người cần chủ động phòng ngừa, tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.