Nhắc đến gai cột sống mọi người thường nghĩ ngay đây là chứng bệnh của người cao tuổi bởi các đốt sống dần bị thoái hóa theo thời gian và tuổi tác. Tuy nhiên hiện nay, căn bệnh này đang có xu hướng “trẻ hóa”, có thể xảy ra với mọi đối tượng, gồm cả những người trẻ tuổi.

Gai cột sống là gì?

Gai cột sống là một trong những dạng bệnh lý thuộc về thoái hóa cột sống. Đó là tình trạng phía ngoài và/hoặc hai bên của cột sống mọc ra những mỏm xương thừa như gai. Những khối xương có chiều dài vài milimet, nhẵn và tròn mọc lên do rối loạn hoạt động tạo xương dẫn tới hiện tượng lắng đọng canxi trên thân của đốt sống, đĩa sụn, gân và hệ thống dây chằng quanh khớp…

Dọc theo cột sống, các gai xương có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí no nhưng thường gặp nhất là gai cột sống cổ và gai cột sống thắt lưng. Theo các bác sĩ, gai xương thường mọc ở mặt trước cạnh bên của cột sống, rất hiếm mọc ở phía sau nên nó cũng ít gây chèn ép vào hệ thống thần kinh và tủy sống.

Mặc dù vậy, những gai xương vẫn gây ra cảm giác đau nhức, ê buốt và vô cùng khó chịu. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, các gai xương có thể tiếp tục mọc dài ra, chèn ép dây thần kinh gây đau, tê bì tay chân, hạn chế khả năng vận động. Trường hợp nghiêm trọng nhất có thể khiến người bệnh bị liệt. Bệnh gai cột sống cũng gây ra rất nhiều bất tiện trong lao động và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Triệu chứng bệnh gai cột sống

Đau buốt ở vùng cổ và thắt lưng

Triệu chứng đầu tiên và dễ nhận thấy nhất của bệnh lý này đó là những cơn đau mỏi tại vùng cột sống cổ, thắt lưng kèm theo tình trạng co cứng, khó vận động. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội tùy vào mức độ bệnh.

Cơn đau tại vùng cổ có thể lan lên đầu và Cơn đau vùng thắt lưng có thể lan xuống hai chi dưới. Cơn đau tăng lên khi vận động và di chuyển, đặc biệt là khi làm việc nặng.

» Xem thêm: Thoái hóa cột sống cổ: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị tại nhà

Đau mỏi, tê bì tay chân

Khi bệnh diễn tiến nặng, các gai xương mọc dài gây chèn ép dây thần kinh. Vì thế người bệnh có cảm giác đau mỏi, tê bì tay chân, cơ bắp cũng dần yếu đi, hạn chế khả năng vận động. Trường hợp nghiêm trọng nhất là người bệnh bị liệt, không cử động được, không đi lại được bình thường.

Rối loạn, chèn ép dây thần kinh

Triệu chứng của bệnh gai cột sống là sự rối loạn, chèn ép dây thần kinh dẫn đến những biểu hiện như tụt huyết áp, tăng tiết mồ hôi, mất thăng bằng, khó thở, cơ thể mệt mỏi, uể oải, suy nhược, lười vận động…Đây là nguyên nhân khiến cho khí huyết bị tắc nghẽn, ứ đọng gây ra các cơn đau.

Rối loạn tiểu tiện, đại tiện

Đây là biểu hiện nghiêm trọng khi bệnh đã ở giai đoạn nặng. Đường ống dẫn tủy bị thu hẹp khiến người bệnh không kiểm soát được việc đi tiểu tiện, đại tiện của bản thân.

Nguyên nhân gai cột sống

Tuổi tác

Tuổi tác là yếu tố gây ra sự thoái hóa tự nhiên của cơ thể, bao gồm cả xương khớp. Đây cũng là lý do những người trung niên, cao tuổi có nguy cơ bị gai cột sống cao hơn. Ngoài ra thì sự lão hóa xương cũng gây ra một loạt vấn đề khác như loãng xương, giòn xương, xương khó hồi phục hơn khi bị tổn thương,…

Chấn thương cột sống

Các tai nạn, chấn thương như tai nạn lao động, tai nạn giao thông, chấn thương khi chơi thể thao, ngã hay va đập mạnh,..gây tổn thương sụn khớp dẫn đến gai cột sống. Những người chơi thể thao, vận động viên hay thường xuyên làm việc, lao động nặng thường gặp tình trạng này.

Thói quen sinh hoạt

Thói quen sinh hoạt như bốc vác nặng, các động tác đi đứng, tư thế vận động, ngồi học, nằm ngủ không đúng rất dễ gây ra những tổn thương cho cột sống. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh lý xương khớp này.

Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là sự hao mòn bề mặt sụn làm gia tăng lực ma sát giữa hai đầu xương. Việc cọ xát gây tổn thương xương cột sống khiến cơ thể tự động kích hoạt cơ chế làm lành bằng cách sinh ra xương mới, là các đốt gai thường mọc ở phía ngoài và/hoặc hai bên xương cột sống.

Thoái hóa đĩa đệm

Đĩa đệm là lớp nệm nằm giữa cột sống có nhân nhầy nằm ở giữa và được bao bọc bởi một vòng sơ bên ngoài, vòng này có tác dụng giảm áp lực và ma sát lên cột sống khi cơ thể hoạt động. Đĩa đệm bị mất nước sẽ từ từ khô lại và suy giảm cả về chất lượng lẫn kích cỡ. Khi đĩa đệm bị teo lại sẽ khiến cho các xương cọ xát vào nhau. Tình trạng này kéo dài dẫn đến tăng sinh xương quá mức thành gai cột sống là khó tránh khỏi.

Viêm khớp

Khi khớp cột sống bị viêm sẽ kéo theo tổn thương đĩa đệm. Từ đó khiến áp lực dồn ép lên sụn khớp. Dần dần cấu trúc sụn bị phá vỡ làm giảm độ vững chắc và thế cân bằng của cột sống. Tình trạng này khiến cơ thể kích hoạt chế độ sản sinh thêm xương mới bao quanh các mặt đốt sống để ổn định cột sống.

Chùng giãn dây chằng

Một khi các dây chằng bị chùng giãn, phần sụn khớp sẽ trở nên lỏng lẻo dần. Khi đó cơ thể sẽ tự điều chỉnh lại bằng cách ổn định lại các đốt sống. Điều này cũng làm thúc đẩy sự hình thành các gai xương.

Một số nguyên nhân khác

  • Yếu tố di truyền
  • Gai cột sống do một số bệnh lý xương khớp như Lupus, gout hay hẹp cột sống cũng kích thích sự sản sinh xương
  • Chế độ dinh dưỡng không đảm bảo khiến tốc độ lão hóa xương nhanh hơn bình thường
  • Bệnh viêm cột sống mạn tính
  • Thừa cân, béo phì khiến xương cột sống phải chịu áp lực lớn từ trọng lượng có thể cũng có thể dẫn đến bệnh gai cột sống

» Bài viết liên quan: 7 Nguyên nhân thường gặp khiến bạn dễ bị đau cột sống thắt lưng

Bệnh gai cột sống có nguy hiểm không?

Nếu các gai xương tiếp tục mọc dài sẽ chèn ép dây thần kinh. Người bệnh gặp những cơn đau nhức, ê buốt, tê bì tay chân, hạn chế khả năng vận động. Bệnh gai cột sống nếu không sớm điều trị có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng hơn.

Thoát vị đĩa đệm

Gai cột sống phát triển làm rách lớp bao xơ địa đệm, tạo điều kiện cho lớp nhân nhầy bị thoát ra bên ngoài và tạo nên các khối thoát vị. Gai xương và các khối thoát vị sẽ cùng lúc chèn lên các mô mềm và tủy gây đau đớn dữ dội cho người bệnh.

» Xem thêm: Thoát vị đĩa đệm là bệnh gì? Có chữa khỏi được không?

Đau thần kinh tọa

Các dây thần kinh bị chèn ép do gai xương cột sống khiến người bệnh bị tê chân, đau nhức. Tình trạng này diễn ra kéo dài khiến các cơ bị teo và yếu dần, tăng nguy cơ gây liệt cả hai chân.

Đau dây thần kinh liên sườn

Các cơn đau xuất hiện dọc theo hệ thống dây thần kinh liên sườn. Cơn đau có thể đột ngột theo đợt hoặc kéo dài lâu rất khó khắc phục. Điều này cản trở và gây ra rất nhiều bất tiện cho người bệnh trong sinh hoạt, lao động.

Yếu liệt, mất cảm giác ở tứ chi

Một khi vùng tủy sống bị tổn thương các cơ quan ở vùng tủy sống chịu sự chi phối trở nên tê liệt dần. Từ đó dẫn đến biến chứng nguy hiểm nhất là người bệnh bị liệt cơ, mất cảm giác ở tứ chi không thể hồi phục.

Lời kết

Bệnh gai cột sống gây ra những cơn đau mỏi, nhức buốt, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người bệnh. Hơn nữa còn có nguy cơ phát sinh nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn. Vì vậy mọi người cần nhận biết sớm dấu hiệu và có biện pháp điều trị, khắc phục để ngăn chặn rủi ro. Hy vọng bài viết đã chia sẻ cho bạn những thông tin hữu ích về bệnh lý này!