Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng có sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ bị tấn công bởi những tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài. Bởi vậy, ngay từ khi chào đời, mọi đứa trẻ cần được tiêm vắc xin để phòng ngừa một số bệnh truyền nhiễm. Việc tiêm vắc xin sẽ kéo dài cho đến khi trẻ 12 tuổi. Sau đó cứ mỗi 10 năm thì nên tiêm nhắc lại. Vắc xin được coi là một bước đột phá trong y tế dự phòng, giúp ngăn ngừa nhiều căn bệnh lây truyền nguy hiểm như sởi, quai bị, rubella,…

Tầm quan trọng của việc tiêm phòng cho trẻ

Cơ thể trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa thể hình thành đủ các kháng nguyên cần thiết để tự phòng tránh các loại virus gây bệnh. Hơn nữa, điều kiện môi trường phức tạp, thời tiết, khí hậu, nhiệt độ diễn biến bất thường… tạo điều kiện cho tác nhân gây bệnh xuất hiện ngày càng nhiều.

Chính vì vậy, bộ Y tế khuyến cáo trẻ nhỏ sau khi chào đời cần được tiêm đúng loại vắc xin vào đúng độ tuổi thích hợp. Vắc xin được coi là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của trẻ nhỏ, giúp trẻ phòng tránh bệnh tật. Vắc xin sẽ giúp cơ thể trẻ tạo ra kháng nguyên, kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể. Kháng thể được hình thành có nhiệm vụ tiêu diệt vi rút, vi khuẩn và tồn tại trong máu để bảo vệ cơ thể chống các tác nhân gây bệnh ở những lần xâm nhập sau.

Lịch tiêm phòng cho trẻ đầy đủ nhất

Giai đoạn sơ sinh

  • Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B (mũi 1) trong vòng 24 giờ đầu sau sinh hoặc càng sớm càng tốt trong trường hợp trẻ bị hoãn chưa tiêm được
  • Tiêm vắc xin phòng bệnh lao trong vòng 30 ngày đầu sau sinh

Giai đoạn 2 tháng tuổi

  • Tiêm vắc xin kết hợp phòng 6 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B mũi 2 và các bệnh nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn Hib
  • Uống vắc-xin phòng tiêu chảy do Rotavirus cấp (liều 1)
  • Tiêm vắc-xin phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu (mũi 1) lúc trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên

Giai đoạn 3 tháng tuổi

  • Uống vắc-xin phòng tiêu chảy do Rotavirus cấp (liều 2)
  • Tiêm vắc-xin phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu (mũi 2)
  • Tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan B (mũi 3) và phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi do Haemophilus influenzae (mũi 2). Có thể sử dụng vắc-xin 6 trong 1 mũi 2 hoặc 5 trong 1 + uống vắc-xin phòng bại liệt liều 2

Giai đoạn 4 tháng tuổi

  • Tiêm vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib mũi 3 + Uống vắc xin bại liệt lần 3. Hoặc tiêm mũi 6 trong 1 lần 3
  • Vắc xin phế cầu khuẩn cầu phổi (PCV)
  • Vắc xin Synflorix phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu (mũi 2)

Giai đoạn 5 tháng tuổi

Tiêm 1 liều vắc-xin phòng bại liệt nếu 2-3-4 tháng tuổi sử dụng vắc-xin 5 trong 1 và uống bại liệt của Chương trình tiêm chủng quốc gia tại phường/xã.

Giai đoạn 6 tháng tuổi

  • Tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm (mũi 1). Mũi 2 tiêm sau mũi 1 một tháng, sau đó tiêm nhắc lại hàng năm.
  • Tiêm vắc-xin phòng viêm màng não do não mô cầu B,C: tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 6-8 tuần (thường là 2 tháng)

Giai đoạn 9 – 12 tháng tuổi

  • Tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi hoặc vắc-xin phòng sởi – quai bị – rubella (MMR mũi 1)
  • Vắc xin VA-MENGOC-BC phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu B+C (mũi 2)

Giai đoạn 12 tháng tuổi

  • Vắc xin 3 trong 1 MMR-II/MMR phòng bệnh sởi, quai bị, rubella.
  • Vắc xin Varivax/Varicella phòng bệnh thủy đậu.
  • Vắc xin Jevax phòng bệnh viêm não Nhật Bản B: Tiêm 2 mũi, cách nhau 1 – 2 tuần.
  • Vắc xin Avaxim 80U/0.5ml phòng bệnh viêm gan A. Liều nhắc lại sau 6-18 tháng.
  • Vắc xin Synflorix phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu (mũi 4)

Giai đoạn 15 – 24 tháng tuổi

  • Vắc xin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1 mũi 4 (nếu chích 5 trong 1 thì chích thêm mũi viêm gan B)
  • Vắc xin Avaxim 80U/0.5ml phòng bệnh viêm gan A (mũi nhắc)
  • Vắc xin Vaxigrip phòng bệnh cúm (mũi 3 – sau mũi thứ hai 1 năm)

Giai đoạn 3 – 5 tuổi

  • Tiêm thương hàn, sau đó nhắc lại sau mỗi 3 năm.
  • Tiêm các loại vắc xin sau đây mỗi loại 1 mũi: sởi, quai bị, sởi Đức.
  • Vắc xin cúm: đây là vắc xin phòng bệnh cúm (vắc xin cúm bất hoạt Influenza).

Phản ứng có thể xảy ra sau khi trẻ tiêm phòng

  • Sốt nhẹ (thường kéo dài không quá 2 ngày) hoặc sốt cao, có thể lên tới 38 hoặc 39 độ C
  • Sưng, đỏ tấy tại vị trí tiêm
  • Phát ban đỏ hoặc nổi mụn nước trên da
  • Mẩn ngứa, mề đay
  • Triệu chứng giả cúm: thân nhiệt bé tăng cao, chảy nước mũi, hắt hơi, đau đầu..
  • Rối loạn tiêu hóa nhẹ
  • Nhiễm khuẩn huyết

» Xem thêm: Trẻ sơ sinh bị sốt sau tiêm phòng phải làm sao?

Lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm phòng

  • Trẻ cần được tiêm phòng đầy đủ, đúng vắc xin phù hợp với độ tuổi, không bỏ sót mũi nào
  • Bất cứ trẻ nào khi đi tiêm chủng cũng cần được khám sàng lọc trước tiêm. Cha mẹ nên thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe trước đây của trẻ để có phác đồ phù hợp
  • Cha mẹ cần giữ sổ và phiếu tiêm chủng để theo dõi lịch tiêm của con mình
  • Sau khi trẻ được tiêm phòng, cha mẹ cần theo dõi tối thiểu 30 phút tại cơ sở tiêm chủng và trong vòng 24 – 48h tại nhà

Những trường hợp không được tiêm phòng cho trẻ

  • Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng, dị ứng nặng sau khi tiêm liều vắc xin trước đó
  • Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy gan, suy thận…
  • Trẻ bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh

Lời kết

Trên đây là lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đầy đủ nhất. Cha mẹ cần nắm rõ, tránh trường hợp bỏ sót mũi tiêm khiến bé có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Hy vọng bài viết đã chia sẻ với bạn những thông tin hữu ích!

THAM VẤN Y KHOA: DƯỢC SĨ HÀ HẰNG