Nhiễm nấm candida là bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai, xuất hiện tại bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Thông thường, nấm candida sẽ sống cân bằng với các vi sinh vật khác trên cơ thể mà không gây tác hại gì. Tuy nhiên, khi gặp điều kiện thuận lợi, vi nấm này sẽ phát triển mạnh và gây bệnh, viêm nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nấm Candida là gì?

Nấm Candida (Candida albicans) là một loại vi nấm tồn tại tự nhiên trong cơ thể con người. Thông thường, nấm men Candida được kiểm soát bởi lợi khuẩn và hệ miễn dịch. Tuy nhiên, khi khả năng kiểm soát này yếu đi cộng với những điều kiện thuận lợi khác sẽ giúp nấm candida có cơ hội sinh sôi và phát triển mạnh mẽ, gây bệnh cho con người. Đặc biệt là ở những nơi có độ ẩm và nhiệt độ cao như ở bộ phận sinh dục và một số khu vực nhất định trên da. Tùy vào vị trí bị nhiễm nấm mà các biểu hiện bệnh sẽ khác nhau

Nguyên nhân nhiễm nấm Candida

  • Sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc chứa corticoid dài ngày làm mất sự cân bằng hệ vi sinh vật trên da. Vì thế tạo điều kiện để vi nấm Candida phát triển
  • Suy giảm miễn dịch và sức đề kháng
  • Hóa trị hoặc xạ trị bệnh ung thư
  • Bệnh tiểu đường
  • Tăng nồng độ estrogen
  • Giữ vệ sinh kém
  • Đeo răng giả (răng giả dễ là nơi trú ngụ và tạo yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của vi nấm)

Đối tượng có nguy cơ nhiễm nấm Candida?

  • Mọi đối tượng đều có nguy cơ nhiễm nấm candida (nhiễm trùng nấm men), tuy nhiên phụ nữ có tỷ lệ mắc cao hơn
  • Người đang sử dụng một số thuốc như thuốc kháng sinh, corticoid uống hoặc hít
  • Trẻ sơ sinh, người già (do hệ miễn dịch yếu)
  • Phụ nữ mang thai (dễ thay đổi nội tiết tố)
  • Người mắc bệnh tiểu đường, ung thư
  • Người nhiễm HIV/AIDS hay các bệnh đường tình dục như lậu, giang mai
  • Người giữ vệ sinh cơ thể kém
  • Phụ nữ có nồng độ hormone sinh dục nữ estrogen tăng
  • Người đeo răng giả, sử dụng và vệ sinh răng giả không đúng cách trong thời gian dài

Triệu chứng nhiễm nấm Candida

Bệnh tưa miệng

Nấm candida có điều kiện phát triển thuận lợi tại môi trường ẩm trong miệng gây bệnh tưa miệng. Bên trong miệng xuất hiện những mảng trắng, đặc biệt trên lưỡi, vòm miệng và xung quanh mô. Nếu bạn cạo sạch bề mặt trắng này sẽ sẽ thấy lớp niêm mạc bị viêm, đỏ, có thể chảy máu nhẹ. Nướu răng cũng có thể bị lở loét, những mảng đỏ và trắng xuất hiện xung quanh nướu.

Ngoài ra, vùng da ở khóe miệng có thể bị đỏ ửng, nứt nẻ. Đa số các mảng tưa miệng không đau nhưng vẫn có một số trường hợp gây đau đớn.

Viêm thực quản

Nhiễm nấm Candida ở miệng có thể lan sang thực quản gây viêm thực quản. Bệnh này khiến bạn cảm thấy khó khăn khi nuốt và ăn uống. Đôi khi có thể thấy đau ở ngực, phía sau xương ức.

Nhiễm nấm Candida ở da

Những người lao động, nông dân, thường xuyên tiếp xúc với nước, đeo găng tay khiến da hay ẩm ướt (kể cả khu vực da quanh háng, mông và các nếp da dưới ngực) dễ bị nhiễm nấm candida. Tình trạng này khiến da xuất hiện những đốm màu đỏ hoặc màu trắng, gây ngứa rát. Đôi khi sưng lên và còn có mụn mủ nhỏ ở xung quanh.

Nhiễm nấm Candida âm đạo

Nhiễm nấm Candida âm đạo là một trong những bệnh phụ khoa phổ biến ở nữ giới. Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh này đang tăng lên hàng năm. Thống kê cho thấy có trên 75% phụ nữ bị nhiễm nấm candida ít nhất một lần trong đời. Bệnh lý này có nguy cơ gặp phải cao hơn ở phụ nữ có thai hay đang mắc bệnh tiểu đường.

Triệu chứng nhiễm nấm Candida ở âm đạo:

  • Ngứa, đau nhức vùng kín
  • Dịch tiết âm đạo bất thường, trắng đục và vón cục
  • Người bệnh cảm thấy nóng rát, khó chịu quanh vùng nhạy cảm, đặc biệt khi đi tiểu
  • Cảm thấy đau hoặc khó chịu trong lúc quan hệ tình dục

Nhiễm nấm Candida toàn thân

Đây là một trong những dạng bệnh nguy hiểm và nghiêm trọng nhất. Nấm candida có thể xâm nhập vào máu qua vị trí mở khí quản, ống thông khí hoặc vết thương phẫu thuật làm nhiễm trùng máu. Từ đó lây lan khắp cơ thể gây nhiễm trùng nặng, ớn lạnh, sốt không rõ nguyên nhân, thậm chí là sốc và suy đa tạng. Thể bệnh này thường xảy ra ở trẻ sơ sinh có trọng lượng thấp và những người có hệ miễn dịch suy yếu nghiêm trọng.

Nhiễm nấm Candida có tự khỏi được không?

Nhiễm nấm Candida không thể tự khỏi mà cần điều trị lâu dài. Bệnh khó kiểm soát và cũng dễ tái phát nhiều lần. Nếu không phát hiện sớm và chữa trị dứt điểm thì người bệnh còn phải đối mặt với hàng loạt các biến chứng nguy hiểm.

Người bị nhiễm nấm men Candida thường có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu dẫn đến gãi quá nhiều gây trầy xước, tổn thương da. Do vậy vô tình tạo điều kiện để vi nấm phát triển, sinh sôi và lan sang khu vực khác khiến bệnh nghiêm trọng hơn, làm giảm chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo khi có dấu hiệu bệnh bạn nên sớm đến trung tâm y tế để thăm khám, chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp.

Phòng ngừa nhiễm nấm Candida

  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, chăm sóc răng miệng, thay bàn chải đánh răng 3 tháng/lần
  • Luôn giữ da thoáng và sạch, tránh để đọng mồ hôi hay chất bụi bẩn
  • Mặc quần áo thông thoáng, đặc biệt là tránh mặc đồ lót bó sát
  • Phơi đồ lót ở nơi thông thoáng để tránh nấm bám vào
  • Không nên thụt rửa sâu trong âm đạo dễ gây mất cân bằng độ pH và làm trầy xước, tổn thương làn da vùng nhạy cảm
  • Với phụ nữ cần thay băng vệ sinh thường xuyên khi đến kỳ kinh nguyệt
  • Lựa chọn những sản phẩm chăm sóc cơ thể phù hợp, tránh xà phòng, sữa tắm, dung dịch vệ sinh có chất tẩy rửa hoặc thành phần hóa học mạnh
  • Không lạm dụng kháng sinh, dùng thuốc đúng theo hướng dẫn và liều lượng chỉ định của bác sĩ
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học, bổ sung dưỡng chất cho cơ thể một cách đầy đủ và cân đối để tăng cường sức đề kháng, nâng cao sức khỏe
  • Uống đủ nước mỗi ngày, tối thiểu 1.5 – 2 lít
  • Tăng cường ăn các loại rau xanh, hoa quả chứa nhiều thành phần vitamin C
  • Kiểm soát tốt đường huyết, hạn chế thực phẩm ngọt và chứa nhiều tinh bột
  • Tránh xa rượu bia, đồ uống có cồn, thuốc lá và các chất kích thích
  • Tránh bơi, tắm tại những khu vực nguồn nước không đảm bảo

Lời kết

Nhiễm nấm candida gây nên hàng loạt bệnh lý và có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Vì thế mỗi người nên chủ động phòng ngừa và chăm sóc cơ thể, sức khỏe cá nhân thật tốt. Hy vọng bài viết đã chia sẻ với bạn những thông tin hữu ích!