Chứng ngứa da vào ban đêm có thể xảy ra với mọi đối tượng, lứa tuổi. Dù vì bất cứ nguyên nhân gì thì điều này cũng gây mẩn ngứa, khó chịu khiến bạn phải gãi liên tục, làm gián đoạn giấc ngủ. Để cải thiện tình trạng trên bạn cần biết rõ nguyên nhân để có hướng khắc phục hợp lý.
Nguyên nhân ngứa da vào ban đêm
Cơ chế tự nhiên của cơ thể
Nhịp sinh học hoặc thói quen sinh hoạt hàng ngày của bạn làm ảnh hưởng đến các chức năng da như điều hòa thân nhiệt, cân bằng dịch và bảo vệ cơ thể. Điều này có thể khiến tăng lưu lượng máu dưới da, da ấm lên đôi khi đi kèm cảm giác ngứa ngáy vào ban đêm.
Thay đổi hormone
Hormone trong cơ thể có một sự thay đổi nhất định tùy thuộc vào thời điểm trong ngày. Vào ban đêm, cơ thể sẽ giải phóng nhiều Cytokine gây phản ứng viêm trong cơ thể. Sự mất cân bằng hormone là nguyên nhân gây ngứa da.
Da bị mất nước
Nước là thành phần quan trọng không chỉ với làn da mà còn với sức khỏe cơ thể nói chung. Nếu bạn không bổ sung đủ nước, đặc biệt là vào mùa đông, thời tiết hanh khô, da bị mất độ ẩm dẫn đến khô ráp, nứt nẻ và ngứa rát vào ban đêm. Do đó, bạn cần cung cấp đủ lượng nước mỗi ngày và sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm, cấp ẩm cho da.
Thay đổi thời tiết
Yếu tố thời tiết, sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm có thể tác động tới hệ miễn dịch của cơ thể gây nên những phản ứng ngoài da. Điển hình là biểu hiện bứt rứt, ngứa ngáy, đặc biệt là với những người có cơ địa nhạy cảm, dễ kích ứng.
Dị ứng thực phẩm
Nếu bạn dung nạp những thực phẩm không phù hợp với cơ địa sẽ dẫn đến dị ứng. Tùy cơ địa mỗi người mà cơn ngứa có thể từ nhẹ tới nặng, có thể đi kèm với các triệu chứng như phù nề, tức ngực, khó thở,…Nếu gặp tình trạng này bạn nên sớm đến gặp bác sĩ để có biện pháp điều trị kịp thời, không nên cố gắng gãi có thể khiến tình hình nghiêm trọng hơn.
» Xem thêm: Dị ứng thực phẩm là gì? Nguyên nhân, biểu hiện, điều trị hiệu quả
Ngứa da do môi trường
Nguyên nhân ngứa da vào ban đêm có thể do bạn không vệ sinh phòng ốc và các vật dụng chăn, gối thường xuyên, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Chúng xâm nhập vào da gây ngứa khắp người, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và thời gian nghỉ ngơi của bạn.
Vệ sinh da
Nếu bạn làm sạch da không đúng cách, có thể tạo điều kiện để bụi bẩn, vi khuẩn và cặn xà phòng đọng lại tại các lỗ chân lông, gây nên tình trạng bí tắc và viêm nhiễm. Khi làn da không được thông thoáng và sạch sẽ thì hiện tượng ngứa da vào ban đêm là điều dễ hiểu.
Căng thẳng thần kinh
Ít ai biết rằng tinh thần căng thẳng, stress, áp lực tâm lý kéo dài sẽ dẫn tới nguy cơ kích thích dây thần kinh dưới da. Từ đó dẫn đến phản ứng mẩn ngứa, da châm chích, bứt rứt khó chịu.
Ngứa da vào ban đêm có phải bệnh lý không?
Thiếu máu
Thiếu máu hoặc suy giảm nồng độ huyết sắc trong tế bào hồng cầu có thể dẫn đến một số thay đổi trong cơ thể. Thiếu máu có thể khiến da nhợt nhạt, có cảm giác ngứa râm ran ở chân, nhất là vào ban đêm.
Bệnh mề đay mẩn ngứa
Bị mề đay sẽ khiến da người bệnh nổi những nốt mẩn đỏ, gây ngứa ngáy, càng gãi càng khiến ngứa nhiều hơn. Các chất gây kích ứng thường sản xuất mạnh mẽ vào ban đêm. Chính vì vậy đây là thời điểm ngứa da dữ dội nhất.
» Xem thêm: Top 9 cách chữa dị ứng nổi mề đay tại nhà
Bị ghẻ
Vệ sinh da không đúng cách hay sống trong môi trường không sạch sẽ là nguyên nhân khiến da da bị ghẻ. Vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng xâm nhập vào da có thể khiến cơ thể nổi mụn nước, kèm theo ngứa ngáy, nghiêm trọng hơn là lở loét. Cảm giác ngứa tăng vào ban đêm vì đây là thời gian ghẻ hoạt động.
Các bệnh ngoài da
Một số bệnh ngoài da như viêm da, chàm eczema, rôm sảy, nấm da, vảy nến,…khiến người bệnh bị mẩn ngứa khắp người. Mức độ cơn ngứa càng tăng lên vào ban đêm, càng gãi càng lan rộng.
Bệnh tuyến giáp
Suy giáp hay nhược giáp, mất cân bằng tuyến giáp làm cho da bị khô, phù nề. Người bệnh không những chịu lạnh kém mà còn có cảm giác bứt rứt, ngứa ngáy.
Bệnh gan, thận
Gan, thận là những cơ quan đào thải độc tố của cơ thể. Khi chức năng của chúng bị suy giảm, độc tố và các chất cặn bã không được đào thải ra bên ngoài mà tích tụ trong cơ thể, trong các mô, da, gây phù nề và xuất hiện các cơn ngứa. Ngứa da có thể xuất hiện trên một vùng da nhất định hoặc lan rộng ra toàn thân.
Bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường cũng là một trong những bệnh lý gây ngứa da vào ban đêm. Lượng đường trong máu tăng cao, ảnh hưởng tới mạch máu và sự trao đổi chất, một số người sẽ bị khô sần ở da và ngứa khắp toàn thân.
Bệnh xã hội
Một số bệnh lây nhiễm qua máu hoặc đường tình dục như lậu, giang mai, sùi mào gà, HIV/AIDS…trong thời gian đầu cũng có thể khiến người bệnh ngứa về ban đêm. Ngoài ra tác dụng phụ của thuốc trị các bệnh này cũng gây ra tình trạng ngứa da.
Bệnh ung thư
Nếu tình trạng ngứa ngáy ngoài da xuất hiện thường xuyên, kéo dài liên tục, ngứa nhiều cả về ban ngày lẫn ban đêm thì rất có thể đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư da, ung thư hạch. Người bệnh nên cẩn trọng để sớm phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào bất thường khác như nốt ruồi dị dạng, các vết lở loét khó lành,…
Nhận biết triệu chứng ngứa da vào ban đêm
Ngứa da vào ban đêm gây ra cảm giác bứt rứt, châm chích, khó chịu, làm giảm chất lượng giấc ngủ, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Ngứa da vào ban đêm có thể đi kèm với các biểu hiện ngoài da như:
- Da khô rát, có vảy trắng, sờ vào thấy thô ráp, sần sùi
- Mất cân bằng độ ẩm tự nhiên của da
- Nóng rát da, nốt mẩn phù
- Mụn đỏ li ti, có thể chứa nước hoặc ẩn sâu dưới da
Chăm sóc và phòng tránh chứng ngứa da vào ban đêm
- Vệ sinh cơ thể đúng cách, sử dụng sản phẩm chăm sóc da lành tính, dịu nhẹ, tránh làm mất cân bằng độ pH của da
- Vệ sinh phòng ốc, giường chiếu, chăn màn sạch sẽ để ngăn chặn vi khuẩn tấn công da
- Không nên dùng chung vật dụng cá nhân với người khác
- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, tránh cọ xát khiến ngứa da nghiêm trọng hơn
- Cố gắng không gãi ngứa vì sẽ làm trầy xước da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập
- Uống đủ nước mỗi ngày, bổ sung rau xanh, hoa quả trong các bữa ăn một cách hợp lý
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng, bổ sung vitamin C, E, D, B để tăng cường sức đề kháng, tốt cho cơ thể
- Không ăn những thực phẩm gây dị ứng cho cơ địa của mình, tránh uống rượu bia, đồ uống có cồn
- Không nên dùng đồ ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ
- Bảo vệ da bằng cách thoa kem chống nắng và có biện pháp che chắn khi đi ra ngoài
- Tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, bụi bẩn, hóa chất
Lời kết
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được nguyên nhân gây ngứa da vào ban đêm. Nếu đó là dấu hiệu bệnh lý thì bạn nên sớm đến trung tâm y tế để thăm khám và có hướng điều trị phù hợp. Đồng thời hãy nhớ thực hiện các biện pháp phòng tránh để không gặp phải tình trạng ngứa da khó chịu nhé!
THAM VẤN Y KHOA: DƯỢC SĨ HÀ HẰNG