Thời tiết mùa hè ở nước ta rất khắc nghiệt. Những ngày nắng nóng cao điểm có thể vượt ngưỡng 40 độ C. Nhiệt độ thực tế ngoài trời cộng với hiệu ứng nhà kính, hơi nóng từ mặt đường bốc lên có thể trên 50 độ. Với thực trạng này, những người có sức khỏe yếu hoặc dù khỏe mạnh nhưng do ở ngoài trời quá lâu cũng rất dễ bị say nắng.

Say nắng, say nóng là gì?

Khi chịu tác động của nhiệt độ, cơ thể con người tự động có phản ứng đáp ứng để điều nhiệt. Tuy nhiên, nếu quá tải nhiệt sẽ gây ra những tổn thương đối với cơ thể, điển hình nhất là say nắng, say nóng. Đây là tình trạng tăng thân nhiệt quá mức, thường trên 40 độ C kèm theo đáp ứng viêm hệ thống dẫn tới tổn thương cơ quan đích cùng với tổn thương thần kinh. Lúc này, trung tâm điều nhiệt của cơ thể mất kiểm soát hoàn toàn.  

Phân biệt 2 dạng say nắng, say nóng

Say nắng – say nóng kinh điển: do tiếp xúc với môi trường nóng bên ngoài và nhiệt độ cao dẫn tới trung tâm nhiệt tăng trên 40 độ

Say nắng – say nóng gắng sức thường gặp ở các vận động viên hoặc người trẻ tuổi vận động quá sức, gắng sức nên triệu chứng xuất hiện nhanh trong vài giờ dù nhiệt độ môi trường ngoài không quá cao

Nguyên nhân dẫn đến say nắng, say nóng

Nguyên nhân say nắng

Khi con người di chuyển hoặc lao động quá lâu dưới thời tiết nắng nóng, đặc biệt là thời điểm bức xạ mặt trời cao nhất (từ 11h – 14h), tia nắng mặt trời gay gắt sẽ chiếu thẳng vào vùng gáy liên tục gây chấn động trung tâm điều hòa thân nhiệt của cơ thể. Từ đó dẫn đến rối loạn điều hòa thân nhiệt kèm theo hiện tượng mất nước cấp của cơ thể. Do đó, người bị say nắng thường có biểu hiện bệnh nặng ngay từ đầu, có thể xuất hiện các dấu hiệu thần kinh sớm. 

Nguyên nhân say nóng

Say nóng là tình trạng mất nước toàn cơ thể kèm theo sự rối loạn ở trung khu điều hòa thân nhiệt và rối loạn vận mạch. Bản chất là do trung tâm điều nhiệt không thích ứng kịp với điều kiện thời tiết xung quanh. Ánh nắng mặt trời và sức nóng là 2 tác nhân vật lý tác động đến cơ thể.

Khi nhiệt độ ngoài môi trường quá cao, kèm theo việc phải ở dưới ánh nắng mặt trời quá lâu, làm việc trong điều kiện nhiệt độ cao, nóng bức, bí bách hay hoạt động thể lực quá sức sẽ dẫn đến hiện tượng: nhiệt lượng sinh ra và nhiệt lượng hấp thu từ môi trường lớn hơn rất nhiều so với nhiệt lượng cơ thể tỏa ra môi trường xung quanh. Do đó, trong hiện tượng say nóng chủ yếu là tình trạng mất nước toàn thể.

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị say nắng, say nóng

  • Tuổi tác: trẻ em, người già là đối tượng dễ gặp những hiện tượng này do khả năng điều nhiệt, thích nghi kém với nắng nóng
  • Thiếu sự thích nghi với thời tiết, khí hậu
  • Tập luyện và làm việc trong môi trường nắng nóng
  • Mặc quần áo không phù hợp (quá dày, không thấm nước, không hấp thụ nhiệt…)
  • Không uống đủ nước khiến tình trạng mất nước do nắng nóng diễn ra nhanh hơn
  • Môi trường quá nóng bức (hầm, lò, phòng kín…)
  • Sử dụng một số loại thuốc làm giảm tiết mồ hôi
  • Một số tình trạng bệnh lý, sốt, rối loạn nội tiết tố, béo phì,….

Phân biệt giữa say nắng và say nóng

Say nắng thường xuất hiện vào thời điểm giữa trưa, khi ánh nắng mặt trời gay gắt nhất và có nhiều tia tử ngoại. Bản chất do trung tâm điều nhiệt bị chấn động, bị kích thích mạnh do những tia nắng chiếu thẳng vào đầu, cổ, gáy dẫn đến rối loạn điều nhiệt

Say nóng thường xảy ra vào buổi xế chiều, thời điểm có nhiều tia hồng ngoại. Bản chất do trung tâm điều hòa thân nhiệt không thích ứng nổi với điều kiện khắc nghiệt xung quanh 

Nhật biết dấu hiệu say nắng, say nóng

  • Tăng thân nhiệt, thường trên 40 độ C
  • Da nóng, lúc đầu lấm tấm mồ hôi sau đó khô, mặt đỏ
  • Toàn thân mệt lả
  • Hoa mắt, chóng mặt, nhìn mọi thứ xung quanh quay cuồng
  • Đau đầu, khó thở thường kèm theo nôn mửa hoặc tiêu chảy
  • Một số triệu chứng nghiêm trọng hơn như gặp ảo giác, rối loạn nhận thức, hôn mê, co giật,…

Các biểu hiện khi bị say nắng, say nóng xuất hiện từ nhẹ đến nặng và phụ thuộc vào mức độ tăng thân nhiệt, thời gian tiếp xúc với ánh nắng. Có thể bắt đầu với các biểu hiện nhẹ sau đó mức độ tăng dần, có thể dẫn đến hôn mê, trụy mạch, đột quỵ gây tử vong. 

Say nắng có biểu hiện tương tự như say nóng nhưng thường diễn biến nhanh hơn, kèm theo các biểu hiện rối loạn thần kinh. Say nắng có thể gây biến chứng não nguy hiểm, liệt, méo miệng, nói ngọng, mất khả năng học và nhớ…

Cách xử trí khi bị say nắng, say nóng

Khoảng thời gian trong vòng 1 giờ kể từ khi bị say nắng, say nóng được coi là “thời điểm vàng” để cấp cứu bởi hiệu quả hồi phục gần như đạt 100%. Ngược lại nếu chậm cấp cứu sẽ tăng tỷ lệ tử vong. Bởi vậy, cần chú trọng cấp cứu say nắng, say nóng ban đầu ngay tại hiện trường.

Khi gặp người bị say nắng, say nóng cần thực hiện sơ cứu như sau:

1. Đưa bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng khí (bóng râm, nhà mát hay xe mát), tránh trường hợp nhiều người quây xung quanh. Đồng thời lúc này gọi cấp cứu 115

2. Nếu bệnh nhân hôn mê cần tiến hành khai thông đường thở, hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực

3. Áp dụng ngay các biện pháp làm mát để hạ nhiệt độ cơ thể: 

  • Cởi bỏ quần áo, mũ nón
  • Áp nước ấm lên người bệnh nhân sau đó dùng quạt để tăng quá trình bốc hơi (nên để bệnh nhân nằm nghiêng hoặc được đỡ ở tư thế tay chống gối để bề mặt da có thể hứng được nhiều gió càng tốt)
  • Áp khăn lạnh hoặc gói nước đá lên các vùng cổ, nách, bẹn 

4. Cho bệnh nhân uống nhiều nước hoặc nước bù điện giải nếu bệnh nhân tỉnh táo, có thể uống được

5. Chuyển bệnh nhân bằng xe có điều hòa hoặc phải mở cửa sổ, quá trình vận chuyển tiếp tục làm mát nhiệt độ bệnh nhân

Biện pháp phòng chống say nắng, say nóng

  • Khi phải ra ngoài trời nắng nóng cần che chắn cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, thoáng, nhẹ và thấm hút tốt, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng
  • Uống đủ nước dù không cảm thấy khát, đặc biệt là khi phải làm việc dưới trời nóng bức. Có thể uống nước trái cây, nước điện giải oresol càng giúp bổ sung vitamin và khoáng chất, bổ sung năng lượng, không nên uống nước ngọt, đồ uống năng lượng
  • Vào mùa nắng nóng nên ăn các loại thức ăn mát, tăng cường bổ sung rau củ quả tươi mát
  • Không nên tiếp xúc quá lâu với ánh nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh hoạt động thể lực quá sức. Nên nghỉ ngơi sau khoảng 45 phút hoặc 1 tiếng làm việc liên tục, nghỉ ngơi  ở nơi thoáng mát từ 10 – 15 phút
  • Trang bị đầy đủ các thiết bị chống nắng, chống nóng như quần áo lao động, mũ nón rộng vành,…
  • Không được để trẻ em hoặc bất kỳ ai trong xe hơi đỗ, tắt máy. Thời tiết nắng nóng sẽ làm nhiệt độ trong xe tăng nhanh đến hơn 11 độ chỉ trong 10 phút
  • Khi đi nắng về, cơ thể tiết nhiều mồ hôi, thân nhiệt cao tuyệt đối không nên tắm vì sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, dễ dẫn đến đột quỵ rất nguy hiểm

Lời kết: