Viêm cầu thận cấp là biểu hiện của một tổn thương viêm cấp của những cầu thận, khiến xuất hiện hồng cầu niệu, phù, tăng huyết áp,…Bệnh có thể tiến triển nhanh, gây ra biến chứng làm suy kiệt sức khỏe.

Viêm cầu thận cấp là gì?

Viêm cầu thận là tình trạng viêm các cầu thận được tạo thành từ các mạch máu nhỏ. Bệnh viêm cầu thận cấp tính có thể xảy ra đột ngột, thường sau khi có nhiễm trùng ở cổ thận hoặc da. Tình trạng này nếu không điều trị sớm có thể diễn tiến nhanh chóng, chức năng lọc máu và loại bỏ dịch dư thừa của thận bị suy giảm, thận không thể hoạt động bình thường, nghiêm trọng nhất là suy thận.

Viêm cầu thận cấp không chỉ là một bệnh đơn thuần mà là hội chứng cầu thận cấp. Bệnh viêm cầu thận cấp có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Trong đó thường gặp hơn ở trẻ nhỏ từ 3 – 8 tuổi, trẻ em trai có tỷ lệ mắc cao gấp đôi trẻ em gái.

Nguyên nhân bệnh viêm cầu thận cấp

Bệnh nhiễm trùng

  • Viêm cầu thận sau nhiễm khuẩn liên cầu: bệnh có thể phát triển sau 1 – 2 tuần kể từ khi cơ thể phục hồi từ một nhiễm trùng như: viêm họng, áp xe, nhiễm trùng da…Trẻ em có nhiều nguy cơ mắc phải viêm cầu thận sau nhiễm khuẩn hơn người lớn nhưng tốc độ phục hồi cũng nhanh hơn.
  • Viêm nội tâm mạc do vi khuẩn: vi khuẩn có thể lan truyền qua máu và nằm lại ở tim dẫn đến nhiễm trùng một hoặc nhiều van tim. Những người có một khiếm khuyết tim như hỏng van tim hoặc van nhân tạo có nguy cơ cao hơn mắc bệnh này
  • Nhiễm trùng do virus: nhiễm virus như virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV), viêm gan Bviêm gan C

Bệnh miễn dịch

  • Bệnh Lupus: có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể bao gồm da, khớp, thận, tế bào máu, tim và phổi
  • Hội chứng phổi thận: là một rối loạn phổi miễn dịch hiếm gặp giống như viêm phổi
  • Bệnh lý thận lgA: đặc trưng là các đợt tái phát tiểu cầu, là kết quả của bệnh cầu thận xuất phát từ tình trạng tích lũy lgA trong cầu thận

Viêm mạch máu

  • Viêm đa động mạch: ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ và vừa ở nhiều nơi trên cơ thể như tim, thận và ruột
  • U hạt Wegener: là hình thức viêm mạch ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ và vừa ở thận, phổi, đường hô hấp trên

Một số bệnh khác gây viêm cầu thận

Triệu chứng viêm cầu thận cấp

Giai đoạn khởi phát

  • Toàn thân mệt mỏi, sốt 38 – 39 độ hoặc nhẹ hơn
  • Đau vùng thắt lưng hai bên
  • Rối loạn tiêu hóa, chán ăn, buồn nôn

Giai đoạn toàn phát

  • Phù: triệu chứng phù ban đầu thường xuất hiện ở mặt, gây nặng mí mắt. Sau đó phù quanh mắt cá, mặt trước xương chày, mu bàn chân. Hơn nữa có thể phù nặng với phù toàn thân như tràn dịch màng phổi, màng bụng, phù phổi cấp, phù não. Chế độ ăn uống của người bệnh cũng ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sưng phù này
  • Khi phổi có dịch sẽ gây ra ho
  • Ít đi tiểu hơn bình thường
  • Nước tiểu ban đầu có máu, sau đó chuyển sang màu tối sẫm
  • Tăng huyết áp

Bệnh viêm cầu thận cấp có nguy hiểm không?

Người mắc bệnh viêm cầu thận nếu không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến chức năng của thận. Trong khi thận là cơ quan lọc máu có vai trò quan trọng đối với sức khỏe cơ thể.

Tình trạng tổn thương cầu thận kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như suy tim cấp, phù phổi cấp, hen tim, suy thận cấp, bệnh lý thần kinh, bệnh lý về não – tăng huyết áp, tổn thương não do tăng Ure huyết.

Bệnh viêm cầu thận có chữa khỏi được không?

Tỷ lệ khỏi bệnh viêm cầu thận ở trẻ em cao hơn người lớn, tỷ lệ khỏi hoàn toàn lên đến 90%. Đa số 80 – 90% bệnh có dấu hiệu lui đi trong 2 tuần nhưng protein và HC mất muộn hơn. Một số ít trường hợp xảy ra biến chứng suy tim cấp và các biến chứng khác do tăng huyết áp đến mức cao, rất cao, đặc biệt là với người cao tuổi và đã có các bệnh lý nền. Nếu tình trạng viêm cầu thận kéo dài và không được điều trị dứt điểm có thể chuyển sang mãn tính.

Khi chữa trị khỏi bệnh, các chỉ số protein niệu trở về âm tính, hồng cầu niệu âm tính, chức năng thận trở về bình thường. Phần lớn trẻ bị bệnh sẽ khỏi trong vòng 3 tuần, hiếm khi có các biểu hiện suy tim, suy thận cấp hay phù não.

Chẩn đoán bệnh viêm cầu thận cấp

  • Chẩn đoán bệnh viêm cầu thận cấp dựa trên các triệu chứng lâm sàng: phù, tăng huyết áp, thiểu niệu hoặc vô niệu
  • Xét nghiệm nước tiểu kiểm tra sức khỏe thận dựa trên độ thanh thải creatinin, tổng lượng protein trong nước tiểu, nồng độ nước tiểu, tỷ trọng nước tiểu, số lượng hồng cầu trong nước tiểu, độ thẩm thấu nước tiểu
  • Xét nghiệm máu để kiểm tra các tế bào hồng cầu, mức albumin bất thường, lượng nitơ của ure trong máu bất thường, mức creatinine cao

Điều trị bệnh viêm cầu thận cấp

  • Sử dụng kháng sinh trong trường hợp viêm cầu thận do nhiễm trùng
  • Trường hợp bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc ức chế men chuyển (angiotensin-converting enzyme: ACE)
  • Kiểm soát huyết áp và theo dõi huyết áp định kỳ
  • Trong quá trình điều trị người bệnh cần thực hiện chế độ ăn giảm muối

» Xem thêm: Top 11 thực phẩm ăn bổ thận, sử dụng hiệu quả cho cả nam và nữ

Phòng ngừa bệnh viêm cầu thận cấp

  • Vệ sinh, chăm sóc răng miệng sạch sẽ phòng ngừa viêm họng do liên cầu khuẩn – một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm cầu thận cấp
  • Tránh các bệnh nhiễm trùng như HIV, viêm gan
  • Không hút thuốc, quan hệ tình dục an toàn và tránh sử dụng các chất gây nghiện
  • Tránh bị viêm da
  • Kiểm soát huyết áp cao, làm giảm nguy cơ tổn thương thận do tăng huyết áp
  • Kiểm soát lượng đường trong máu để giúp ngăn ngừa bệnh thận do tiểu đường
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, hạn chế các thực phẩm nhiều muối, thực phẩm đóng hộp

Lời kết

Người mắc viêm cầu thận cấp cần sớm nhận biết các triệu chứng và đến gặp bác sĩ để được khám chữa kịp thời. Đồng thời cần điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp để ngăn bệnh diễn tiến nặng, tránh biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe. Hy vọng qua bài viết trên bạn đã hiểu rõ hơn về hội chứng viêm cầu thận cấp.