Viêm phế quản co thắt là một trong những thể bệnh của viêm phế quản. Bệnh lý này có thể gặp phải ở mọi đối tượng, lứa tuổi nhưng phổ biến hơn với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nếu không nhận biết và điều trị sớm sẽ có nguy cơ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Viêm phế quản co thắt là gì?

Viêm phế quản co thắt là tình trạng nhiễm trùng đường ống dẫn khí khiến cho lòng phế quản bị thu hẹp, các niêm mạc đường thở bị sưng viêm, xung huyết dẫn đến khó thở, thở khò khè, thở rít và ho có nhiều đờm. Hiểu đơn giản, viêm phế quản co thắt là một thể bệnh của viêm phế quản khiến cho việc thở khó khăn.

Bệnh viêm phế quản co thắt thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi) do nhóm đối tượng này có sức đề kháng yếu và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, dễ bị tấn công bởi vi khuẩn, virus gây bệnh. Đặc biệt là trong thời điểm giao mùa, thời tiết chuyển lạnh.

Nguyên nhân viêm phế quản co thắt

Nhiễm vi khuẩn, virus

Đa số các trường hợp mắc bệnh viêm phế quản co thắt là do nhiễm virus hợp bào đường hô hấp RSV (Respiratory Syncytial Virus), sau đó thường có bội nhiễm vi khuẩn (phế cầu, tụ cầu, liên cầu khuẩn, H.influenzae,…). Chúng kí sinh tại vùng mũi họng và hoạt động mạnh khi có điều kiện thuận lợi khiến người bệnh có các triệu chứng khó thở, ho, khạc đờm,…

Hệ miễn dịch kém

Những người có hệ miễn dịch và sức đề kháng kém, nhất là trẻ nhỏ là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường. Cơ thể không đủ khả năng chống lại những tác nhân gây bệnh khiến cho virus, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, sinh sôi và phát triển.

Cơ địa dị ứng

Người có cơ địa nhạy cảm, dễ phản ứng quá mẫn với dị nguyên như bụi bẩn, phấn hoa, khói thuốc, lông thú, dị ứng thực phẩm,…dễ mắc viêm phế quản co thắt gây khó thở, có thể kèm theo triệu chứng tức ngực, mẩn ngứa, nổi mề đay.

Một số nguyên nhân khác

  • Cơ thể đã mang sẵn mầm bệnh lúc vừa sinh ra
  • Nhiễm trùng đường hô hấp
  • Các bệnh lý đường hô hấp dẫn đến viêm phế quản (viêm họng, đau họng, viêm amidan,…)
  • Thay đổi thời tiết, thời điểm giao mùa cơ thể không kịp thích nghi
  • Người hay căng thẳng, mệt mỏi, người bị rối loạn tiêu hóa
  • Nhiễm phải chất độc hóa học
  • Tác dụng phụ do sử dụng một số loại thuốc kháng sinh, thuốc huyết áp

Triệu chứng viêm phế quản co thắt

Những triệu chứng của bệnh viêm phế quản co thắt dễ bị nhầm lẫn với hen suyễn gây ra khó khăn trong chẩn đoán và điều trị. Người bệnh sẽ khó phát hiện và cũng có tâm lý chủ quan, đi khám muộn. Biểu hiện lâm sàng điển hình gồm:

  • Khó thở, xuất hiện cơn ho kéo dài dai dẳng, thường hay có đờm
  • Đau họng, ngứa họng
  • Sốt nhẹ, có thể kéo dài trong vài ngày
  • Chảy nước mũi, hắt hơi
  • Hơi thở sẽ dần trở nên khó khăn, thở khò khè, thở rít, khi thở có cảm giác lồng ngực đang co rút, lồng ngực sẽ hóp sâu vào trong và các cơ vùng cổ bị co kéo
  • Người bệnh có thể bị nôn trước và sau khi ăn. Với trẻ nhỏ rất dễ bị nôn sau khi bú hoặc sau một kích thích như khóc hoặc ho

Đối tượng nào hay mắc viêm phế quản co thắt?

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
  • Trẻ thừa cân, béo phì: mỡ thừa khiến hoạt động hô hấp gặp nhiều khó khăn
  • Trẻ trong các gia đình có người hút thuốc: khói thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây nên các bệnh về phổi và đường hô hấp
  • Người có hệ miễn dịch yếu, cơ địa dị ứng

Biến chứng của viêm phế quản co thắt nguy hiểm như thế nào?

Viêm phế quản co thắt là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp rất đáng lo ngại. Nếu người bệnh nhầm lẫn các triệu chứng và chậm trễ, chủ quan trong việc điều trị thì sẽ dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.

Suy hô hấp

Suy hô hấp là biến chứng nghiêm trọng nhất khi mắc viêm phế quản co thắt, đe dọa tính mạng của người bệnh. Bệnh nhân khó thở, thở rít, thậm chí không thể thở được dẫn tới ngưng tim, tử vong.

Viêm phổi

Phổi và phế quản là hai cơ quan có vị trí gần nhau và có mối liên hệ mật thiết trong hệ hô hấp. Vi khuẩn, virus tại phế quản có thể nhanh chóng lây lan sang phổi, sinh sôi và phát triển làm gia tăng nguy cơ viêm phổi của người mắc bệnh viêm phế quản co thắt.

Viêm tai giữa

Một biến chứng nữa bệnh nhân viêm phế quản co thắt có thể gặp phải là viêm tai giữa. Khi không điều trị kịp thời, các triệu chứng kéo dài làm suy giảm thính lực. Trường hợp viêm tai giữa nặng có thể dẫn tới điếc hoàn toàn.

Làm thế nào để phòng ngừa viêm phế quản co thắt?

  • Mang khẩu trang khi ra ngoài, không chỉ giúp bạn phòng tránh viêm phế quản mà còn nhiều bệnh lây truyền qua đường hô hấp
  • Tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, bụi bẩn, hóa chất độc hại
  • Vệ sinh mũi họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối biển tự pha
  • Tránh đưa tay lên mũi họng để hạn chế tối đa các tác nhân gây bệnh
  • Ăn nhiều rau củ quả để bổ sung vitamin C, E,…cùng các khoáng chất nhằm nâng cao sức khỏe
  • Uống đủ nước mỗi ngày
  • Sử dụng các sản phẩm tăng sức đề kháng, bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây bệnh
  • Tập luyện thể dục thể thao để rèn luyện thể trạng đồng thời cũng dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý

Lời kết

Bệnh viêm phế quản co thắt dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh hen suyễn nên mọi người cần đặc biệt lưu ý, không nên có tâm lý chủ quan. Nếu có những biểu hiện nêu trên hãy sớm đến gặp bác sĩ để thăm khám và có hướng điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm, đe dọa tới sức khỏe và tính mạng.

THAM VẤN Y KHOA: DƯỢC SĨ HÀ HẰNG