Năm 2014, dịch bệnh Ebola lớn nhất trong lịch sử bùng phát lần đầu tiên ở châu Phi và để lại hậu quả nghiêm trọng với số lượng bệnh nhân tử vong cao. Cho đến nay, bệnh do virus Ebola gây ra vẫn là nỗi ám ảnh với mọi người.

Bệnh Ebola là gì?

Bệnh Ebola ((Ebola virus disease – EVD) được biết đến là bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola gây ra. Đây là bệnh nhiễm trùng nặng, có khả năng lây truyền từ người sang người, dễ bùng phát thành dịch bệnh khó kiểm soát.

Có tất cả 5 chủng virus Ebola, họ Filoviridae, bộ Mononegavirales, trong đó có 4 chủng gây bệnh trên người. Đó là Bundibugyo (BDBV), Ebola (EBOV), Sudan (SUDV), và virus rừng Taï (TAFV).

Khi virus Ebola tấn công cơ thể con người sẽ làm tổn thương hệ miễn dịch và các cơ quan khác, giảm khả năng đông máu dẫn đến xuất huyết nghiêm trọng. Bởi vậy, bệnh Ebola là bệnh đặc biệt nguy hiểm, tỷ lệ tử vong từ 50 – 90%.

Triệu chứng bệnh Ebola

  • Sốt đột ngột
  • Cơ thể suy yếu, sụt cân
  • Buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy
  • Xuất huyết: ho ra máu, chảy máu chân răng, chảy máu nơi tiêm truyền, những mảng bầm máu dưới da, chảy máu từ tai, mắt, hậu môn, âm đạo,…và nhiều nơi trên cơ thể
  • Đau cơ, đau cổ họng, đau ngực
  • Mắt đỏ
  • Đau dạ dày, chảy máu trong bụng
  • Phát ban: ban đầu là ban đỏ sẫm màu ở nang lông, khi bệnh diễn tiến nặng sẽ hình thành tổn thương ban rát đỏ sần có ranh giới rõ ràng, cuối cùng lan tỏa thành mảng rộng
  • Xét nghiệm chẩn đoán cho thấy số lượng bạch cầu và tiểu cầu thấp, men gan tăng cao

Bệnh Ebola lây truyền qua đường nào?

Virus Ebola lây truyền không lây qua tiếp xúc thông thường như bắt tay, va chạm,…mà lây qua tiếp xúc trực tiếp (qua da trầy xước hoặc niêm mạc ở mắt, mũi, miệng) với:

  • Máu hoặc dịch tiết cơ thể (tinh dịch, sữa mẹ, mồ hôi, nước mắt) hoặc chất bài tiết, chất thải của người bị bệnh hoặc đã chết vì Ebola
  • Tiếp xúc với kim tiêm chưa được tiệt trùng nhiễm dịch thể của người bệnh hoặc thông qua tiếp xúc trực tiếp với cơ thể của nạn nhân mắc bệnh Ebola
  • Các vật thể (như quần áo, khăn trải giường, kim tiêm và thiết bị y tế) bị nhiễm chất dịch cơ thể từ một người bị bệnh hoặc đã chết vì EVD
  • Tinh dịch từ một người đàn ông đã hồi phục từ EVD (thông qua quan hệ tình dục bằng miệng, âm đạo hoặc hậu môn). Virus có thể tồn tại trong một số chất dịch cơ thể (bao gồm cả tinh dịch) của một bệnh nhân đã khỏi bệnh EVD, ngay cả khi họ không còn có triệu chứng bệnh nặng
  • Ebola có thể lây truyền thông qua các nghi lễ chôn cất liên quan trực tiếp đến cơ thể của người đã chết do dịch bệnh

Khi một người xuất hiện các triệu chứng của bệnh Ebola có nghĩa người đó đã có khả năng truyền bệnh cho những người xung quanh. Bệnh virus Ebola không thể lây truyền từ một người bị nhiễm bệnh trước khi họ có những triệu chứng của bệnh.

Người đã khỏi bệnh Ebola vẫn có thể lây nhiễm cho người khác khi máu hoặc các dịch tiết khác trong cơ thể họ vẫn còn virus Ebola. Máu và dịch tiết của họ có thể vẫn nhiễm virus trong vài tuần dù đã khỏi bệnh.

Phụ nữ mang thai bị nhiễm Ebola cấp tính và đã được điều trị khỏi bệnh vẫn có thể mang vi-rút trong sữa mẹ, hoặc trong các chất lỏng và mô liên quan đến thai kỳ. Bởi vậy vẫn có nguy cơ lây truyền sang con và những người xung quanh.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Ebola

Bệnh Ebola có thể xảy ra ở mọi đối tượng, bất kể lứa tuổi, giới tính. Tuy nhiên những đối tượng sau có nguy cơ cao hơn:

  • Thành viên gia đình hoặc những người có tiếp xúc gần với người bị bệnh
  • Người thường xuyên tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh Ebola
  • Nhân viên y tế, nhân viên lễ tang, người tham gia đám tang có tiếp xúc trực tiếp với thi thể bệnh nhân
  • Người du lịch đến châu Phi
  • Người sống trong rừng, có tiếp xúc với động vật ốm hoặc chế
  • Người thực hiện nghiên cứu trên động vật

Phòng ngừa bệnh Ebola

  • Tránh tiếp xúc với máu và dịch cơ thể của người khác
  • Không dùng chung các đồ vật có thể tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể của người khác (quần áo, khăn trải giường,…)
  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn có chứa cồn
  • Tránh tiếp xúc với động vật hoang dã, đặc biệt là khỉ, dơi hoặc máu, thịt của các loại động vật này
  • Tránh các nghi thức mai táng hoặc chôn cất có tiếp xúc với thi thể của người đã chết vì Ebola
  • Với người chăm sóc bệnh nhân cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng hộ (đeo khẩu trang, đeo kính bảo hộ mắt, mũ, găng tay bảo hộ, bao giầy, quần áo) và vệ sinh cá nhân sạch sẽ ngay sau khi tiếp xúc với người bệnh
  • Tiêm vắc xin phòng bệnh Ebola

Lời kết

Bệnh Ebola để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là khi bùng phát thành dịch bệnh trong cộng động. Bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe và đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người. Nếu xuất hiện triệu chứng bệnh cần đến ngay trung tâm y tế để thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Quan trọng nhất vẫn là mọi người chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để không nhiễm bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân!