Bên cạnh những biện pháp ngừa thai thông thường và đã quen thuộc như thuốc tránh thai, sử dụng bao cao su thì miếng dán tránh thai cũng đang được nhiều người tiếp cận và sử dụng bởi nó khá an toàn, hiệu quả và đặc biệt là rất tiện lợi. Tuy nhiên khi sử dụng bạn cũng cần lưu ý nhiều điều.

Miếng dán tránh thai là gì? 

Miếng dán tránh thai là một miếng dán có kích cỡ nhỏ, mỏng khoảng 4,5cm2 dùng để dán trực tiếp lên các vùng da mông, bụng, lưng hoặc trên bắp tay, giúp cơ thể giải phóng hormone có khả năng ngăn quá trình thụ thai. Hơn nữa còn giúp làm đặc chất nhầy cổ tử cung, cản trở sự tiếp xúc với trứng và tinh trùng. Phương pháp tránh thai này đang dần được sử dụng nhiều hơn, phổ biến hơn vì khá hiệu quả, tương đối an toàn và tiện lợi. 

Cơ chế tác dụng của miếng dán tránh thai

Cơ chế tác dụng của miếng dán tránh thai là kích thích giải phóng liên tục 2 hormon là hormon progestin (norelgestromin) và hormon estrogen (ethinyl estradiol) nhằm mục đích ngăn cản quá trình rụng trứng của nữ giới. Nếu không rụng trứng, tinh trùng không thể gặp trứng và không thể thụ thai. Miếng dán ngừa thai đồng thời cũng làm cho dịch nhầy tử cung đặc lại, khiến tinh trùng khó gặp trứng, ngăn chặn thụ thai ngoài mong muốn.

Nếu muốn có thai trở lại, chỉ cần ngưng sử dụng miếng dán tránh thai. Nữ giới sẽ bắt đầu rụng trứng bình thường trở lại sau khoảng 3 tuần.

Miếng dán tránh thai có hiệu quả không?

Nghiên cứu cho thấy nếu được dán và thay đúng lúc, hiệu quả của biện pháp tránh thai bằng miếng dán có thể lên tới 95%. Nếu chậm dán, quên dán hoặc bóc miếng dán ra quá sớm sẽ làm giảm hiệu quả của sản phẩm, người phụ nữ vẫn có thể mang thai.

Cách sử dụng miếng dán tránh thai

Thời điểm sử dụng

Để đạt hiệu quả tránh thai, bạn cần sử dụng miếng dán tránh dựa theo chu kỳ kinh nguyệt. Thời điểm bắt đầu sử dụng là vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh, dán lên da và giữ nguyên vị trí trong một tuần. Sang tuần tiếp theo, vào đúng ngày đó bạn sẽ bóc miếng dán cũ ra và thay miếng dán mới. Nghĩa là mỗi miếng dán sử dụng liên tục được trong 7 ngày. Ví dụ, bạn dán vào thứ 2, thì ngày thay miếng dán sẽ là thứ 2 hàng tuần.

Miếng dán mới có thể dán ở bất kỳ vị trí nào, không nhất thiết ở vị trí cũ. Bạn sẽ thay 3 lần liên tục rồi nghỉ 1 tuần. Tuần thứ 4 của chu kỳ không cần dán miếng dán mới, kinh nguyệt sẽ diễn ra bình thường. Chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo sẽ lặp lại như chu kỳ cũ. 

Hướng dẫn sử dụng

  • Xé bao bì miếng dán tránh thai dọc theo mép bao, kéo miếng dán ra và bóc lớp áo, không để chạm tay lên bề mặt của miếng dán
  • Dán miếng dán ngừa thai lên vùng da khô sạch, không có lông: vùng mông, vùng bụng, mặt ngoài phía trên cánh tay hoặc phần thân trên
  • Dùng tay miết và ấn chặt cho miếng dán dính chắc vào da
  • Kiểm tra hàng ngày để chắc chắn miếng dán vẫn kết dính tốt vào da. Nếu miếng dán bị bong ở mép hoặc bong hẳn ra và không dán lại được thì sẽ không có tác dụng giải phóng hormone hiệu quả. 

Những điều cần lưu ý khi dùng miếng dán tránh thai

  • Miếng dán tránh thai không thể ngăn ngừa các bệnh lây lan qua đường tình dục. Do đó, muốn bảo vệ bản thân thì bạn vẫn nên dùng bao cao su
  • Không nên dán miếng dán tránh thai lên vị trí đã dán cũ để tránh kích ứng da
  • Không nên tháo miếng dán trong khi hoạt động thường ngày, như tắm rửa, bơi lội, tập thể dục thể thao
  • Không nên trang điểm, sử dụng các loại kem phấn, mỹ phẩm hoặc các sản phẩm khác lên vùng da đang dán miếng dán hoặc vùng da sắp được dán vì sẽ làm giảm độ kết dính của sản phẩm, giảm hiệu quả tránh thai 
  • Không dán lên vùng da nhạy cảm hoặc đang bị kích ứng, mẩn đỏ, trầy xước, đặc biệt là vùng da vú
  • Không được dán miếng dán ngừa thai lên vùng da bị bệnh da liễu vì nó có thể làm cho tình trạng bệnh nặng lên
  • Không để miếng dán trên da quá 1 tuần vì sẽ làm giảm hiệu quả tránh thai 
  • Đối với người lần đầu dùng miếng dán tránh thai phải kết hợp với biện pháp tránh thai khác hỗ trợ để có hiệu quả tốt nhất
  • Nếu dán vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt thì không cần sử dụng biện pháp tránh thai khác, nếu bắt đầu dán sau ngày đầu tiên của chu kỳ kinh thì cần áp dụng thêm biện pháp tránh thai hỗ trợ không phải là biện pháp nội tiết
  • Tuyệt đối không dùng miếng dán tránh thai đồng thời với viên uống tránh thai
  • Trường hợp cần tránh thai sau khi sinh, nếu không cho con bú thì nên dán miếng dán ngừa thai sớm nhất vào thời điểm 4 tuần sau khi sinh
  • Nếu bị rong huyết là hiện tượng bình thường, vẫn nên tiếp tục sử dụng miếng dán tránh thai. Thông thường hiện tượng rong huyết sẽ mất đi sau một vài chu kỳ kinh nguyệt. Nếu rong huyết kéo dài bạn nên đi khám để tìm ra nguyên nhân khác.

Đối tượng không nên sử dụng miếng dán tránh thai

Trường hợp chống chỉ định tương đối

  • Đang sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống co giật, thuốc kháng virus, kháng sinh rifampicin… 
  • Phụ nữ không cho con bú trong vòng 4 tuần sau khi sinh hoặc đang cho con bú từ 6 tuần đến 6 tháng
  • Đã từng bị ung thư vú và không tái phát trong vòng 5 năm
  • Bị rối loạn lipid máu

Trường hợp chống chỉ định tuyệt đối

  • Mang thai hoặc nghi ngờ mang thai
  • Đang cho con bú trong vòng 6 tuần sau khi sinh
  • Phụ nữ có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch
  • Phụ nữ trên 35 tuổi, hút thuốc lá thường xuyên, bị tăng huyết áp, đái tháo đường
  • Đang mắc hoặc có tiền sử mắc các bệnh loạn đông máu, thuyên tắc phổi, thuyên tắc tĩnh mạch, bệnh lý van tim,…
  • Đang bị suy gan, xơ gan, u gan

Thuận lợi và bất lợi khi dùng miếng dán tránh thai

Thuận lợi

  • Hiệu quả cao nếu sử dụng đúng cách
  • Miếng dán khá chặt và không dễ bung, trừ khi dán sai cách
  • Đơn giản, dễ sử dụng, không cản trở các cặp đôi
  • Tiện lợi, không giống như thuốc tránh thai hàng ngày phải nhớ uống vào một giờ nhất định, bạn chỉ cần phải nhớ thay đổi miếng dán mỗi tuần
  • Nếu được dán lại sau khoảng 24 giờ thì miếng dán vẫn phát huy tốt công dụng tránh thai
  • Miếng dán có khả năng điều hòa nội tiết tố giúp chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, nhẹ nhàng và ít đau đớn hơn
  • Giảm mụn trứng cá
  • Có thể hỗ trợ, giảm nhẹ các triệu chứng trong thời kỳ tiền mãn kinh

Bất lợi

  • Một số người khi dán có cảm giác ngứa, khó chịu, kích ứng da
  • Xuất hiện tác dụng phụ tạm thời: đau đầu, buồn nôn, chướng bụng, cương ngực, tăng cân nhẹ,…
  • Xuất huyết âm đạo đột ngột giữa các chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên đây là hiện tượng bình thường thường gặp trong thời gian đầu sử dụng
  • Tăng nhẹ nguy cơ huyết khối ở chân, phổi và tăng huyết áp.
  • Một số tác dụng phụ hiếm gặp: nhồi máu cơ tim, u gan, sỏi túi mật,… 

Lời kết

Miếng dán tránh thai sẽ mang lại hiệu quả cao khi bạn sử dụng đúng cách. Vì vậy, bạn cần thực hiện đúng theo hướng dẫn trên. Nếu xuất hiện triệu chứng bất thường nên sớm đến gặp bác sĩ để thăm khám và chẩn đoán nguyên nhân.

Trên đây là toàn bộ những thông tin cần biết về miếng dán tránh thai. Hy vọng bài viết hữu ích với bạn đọc!