Những nốt mụn ở trong tai, vành tai không chỉ gây đau đớn mà còn ảnh hưởng thẩm mỹ. Trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến biến chứng khôn lường, nguy hiểm nhất là mất thính lực. Mọi người không nên chủ quan mà cần tìm hiểu những thông tin về bệnh cũng như biết cách xử lý phù hợp.

Làm thế nào để nhận biết mọc mụn trong tai?

Mụn nhọt trong tai thường có khối cứng, màu đỏ, gây đau nhức. Vì mụn thường nằm sâu trong tai và khó quan sát nên bạn có thể cảm nhận bằng tay. Lưu ý trước khi sờ vào trong tai hãy vệ sinh tay sạch sẽ để tránh làm lây lan vi khuẩn.

Một cách khác đó là bạn soi gương, nếu vẫn không thấy cục mụn sưng thì hãy chụp hình hoặc nhờ ai đó xem giúp. Nếu trong tai có cục sưng to, đỏ hồng, phần trung tâm màu trắng hoặc vàng thì khả năng cao đó là nhọt. Dù là mụn hay nhọt thì cảm giác chung sẽ là đau nhức, khó chịu ở tai, đôi khi là nhức đầu.

Nguyên nhân mọc mụn trong tai

Vi khuẩn và nấm

Vi khuẩn và nấm xâm nhập vào bên trong tai là nguyên nhân gây ra mụn nhọt. So với mụn, nhọt thường nằm sâu trong lỗ tai và hiếm lộ ra ngoài.

Vệ sinh tai không sạch sẽ

Tai ngoài có các tế bào da, tế bào lông và các tuyến dầu. Khi bạn vệ sinh tai không sạch sẽ, các tế bào này sẽ tích tụ và tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn trú ngụ và sinh sôi, hình thành các nốt mụn nhọt. Ngay cả việc thường xuyên chạm vào tai bằng tay bẩn cũng có thể là nguyên nhân mọc mụn trong tai.

Thay đổi nội tiết tố

Sự thay đổi nội tiết tố, rối loạn hormone có thể gây ra những nốt mụn bọc, mụn trứng cá trong tai. Phụ nữ mang thai, đang trong giai đoạn kinh nguyệt hoặc tiền mãn kinh thường dễ mọc mụn bất thường.

Bệnh viêm tai

Mọc mụn trong tai là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm tai. Vùng tai bị nhiễm trùng (do tiếp xúc với môi trường bụi bẩn, nước bẩn, dụng cụ ngoáy tai không hợp vệ sinh,…) khiến ống tai bị sưng viêm, nổi nhiều mụn bọc, mụn mủ đi kèm cảm giác đau nhức, khó chịu.

Xỏ khuyên tai

Vị trí xỏ khuyên tai an toàn nhất là thùy tai bởi khu vực này không có sụn, ít gây đau và hạn chế sưng tấy, viêm nhiễm. Tuy nhiên với những người thích xỏ khuyên tại các vị trí trong tai, có sụn sẽ bị sưng lâu hơn. Nếu không chăm sóc đúng cách thì lỗ tai dễ bị sưng viêm, nhiễm khuẩn và nổi mụn. Trường hợp nặng tai có thể bị mưng mủ, loét da gây đau nhức dữ dội.

Sử dụng tai nghe bẩn, không vệ sinh

Nhiều người có thói quen sử dụng tai nghe thường xuyên nhưng lại quên mất việc phải vệ sinh nó. Lâu ngày tế bào chết của tai tích tụ, chưa kể bụi bẩn và vi khuẩn từ môi trường bên ngoài bám vào tai nghe rồi bạn sử dụng lên tai. Đây chính là nguồn lây nhiễm và là nguyên nhân gây mụn nhọt trong tai rất nhiều người gặp phải. Ngoài ra ra việc dùng chung tai nghe với người khác cũng ảnh hưởng tương tự.

Một số nguyên nhân khác

  • Tuyến bài tiết ở tai tiết quá nhiều dầu nhờn
  • Ống tai bị dị ứng mỹ phẩm
  • Đội mũ bảo hiểm hoặc mũ che nắng trong thời gian dài
  • Căng thẳng quá độ

Có nên nặn mụn trong tai không?

Câu trả lời là không. Việc tự nặn mụn tại nhà không an toàn mà còn tăng nguy cơ làm lây nhiễm vi khuẩn khiến vết mụn sưng tấy và tổn thương nghiêm trọng hơn. Hơn nữa còn có thể làm tổn thương da và để lại sẹo. Chính vì vậy, khi phát hiện mọc mụn trong tai thì tốt hơn là bạn hãy đến gặp bác sĩ để thăm khám tình hình và được điều trị đúng cách, ngăn ngừa biến chứng.

Hướng dẫn xử lý khi mọc mụn trong tai

Đôi khi mụn trong tai có thể tự lành mà bạn không cần dùng thuốc. Để nốt mụn nhanh lành bạn cần xử lý theo hướng dẫn sau:

  • Sử dụng gạc ấm để giảm viêm và kích ứng tai đồng thời cũng làm mềm nốt mụn và đẩy nhân lên bề mặt nếu nhân mụn vẫn ẩn sâu dưới da
  • Nếu dịch vụ chảy ra hãy dùng băng gạc hoặc bông thấm sạch nhẹ nhàng
  • Rửa lại tai bằng nước muối sinh lý và dùng khăn mềm thấm khô
  • Giữ cho vùng tai sạch sẽ và không để chất bẩn rơi vào
  • Tránh tiếp xúc với môi trường bụi bẩn cũng như có biện pháp bảo vệ tai để tổn thương nhanh lành

Nếu mụn nhọt không lành mà có những biểu hiện sau thì bạn cần sớm đến gặp bác sĩ:

  • Nhọt không giảm sau 1 – 2 tuần tự điều trị tại nhà
  • Mụn nhọt tái đi tái lại nhiều lần
  • Đau nhức trong tai dữ dội, có thể kèm sốt hoặc buồn nôn

Phòng ngừa mọc mụn trong tai

  • Vệ sinh sạch sẽ vùng tai mỗi ngày. Tai cũng tiết bã nhờn và có tế bào chết. Nếu bạn chỉ chú tâm làm sạch da mà quên mất vùng tai sẽ khiến cho tế bào chết tích tụ, bít tắc lỗ chân lông và hình thành mụn
  • Làm sạch các đồ vật tiếp xúc với tai như tai nghe, bịt tai, khuyên tai, gối, mũ bảo hiểm,…
  • Tránh chạm tay vào vùng tai, nhất là khi tay bẩn và tai đang có mụn, bị tổn thương
  • Tránh để dị vật lọt vào ống tai
  • Tránh tiếp xúc với môi trường bụi bẩn, không bơi, tắm trong vùng nước không đảm bảo
  • Tránh đội mũ cứng và mũ bảo hiểm trong thời gian dài

Lời kết

Mọc mụn trong tai không phải là tình trạng hiếm gặp nhưng đa số mọi người thường chủ quan, không biết cách xử lý hoặc tự ý nặn mụn sai cách. Vì thế tổn thương trong tai dễ trở nên nghiêm trọng. Trong trường hợp này bạn hãy thực hiện theo hướng dẫn trên hoặc tốt hơn là đến gặp bác sĩ để sớm điều trị dứt điểm.