Với sự phát triển của công nghệ làm đẹp, chị em ngày càng có nhiều lựa chọn để khắc phục những điểm chưa hài lòng trên khuôn mặt như tiêm filler, nâng mũi cấu trúc và chắc chắn phải kể đến độn cằm. Phương pháp thẩm mỹ này giúp bạn có chiếc cằm cân đối, hài hòa với đường nét trên khuôn mặt.

Tuy nhiên, độn cằm là một thủ thuật xâm lấn nhiều và cũng có những ưu điểm, hạn chế riêng nên trước khi thực hiện bạn cần tìm hiểu rõ những thông tin về nó.

Độn cằm là gì?

Độn cằm là phương pháp thẩm mỹ sử dụng những chất liệu phù hợp để tạo dáng cằm cân đối, hài hòa với gương mặt. Phương pháp này có thể áp dụng với cả nam giới và nữ giới, mang đến dáng cằm mong muốn, tăng thêm vẻ đẹp khuôn mặt.

Trong cuộc sống hiện đại, nhu cầu làm đẹp tăng cao khiến thẩm mỹ độn cằm ngày càng được nhiều người quan tâm, biết đến và ưa chuộng. Đặc biệt là độn cằm Vline. Độn cằm giúp khắc phục khuyết điểm cằm lẹm, cằm ngắn,…để tổng thể khuôn mặt cân đối và cuốn hút hơn.

Phẫu thuật độn cằm được thực hiện bằng cách cấy ghép chất liệu độn và điều chỉnh xương mặt. Với sự phát triển của Y học và công nghệ, độn cằm không chỉ sử dụng chất liệu nhân tạo như những năm trước đây mà còn dùng chất làm đầy (filler), xương tự thân và mỡ tự thân.

Quy trình thực hiện độn cằm

Bước 1: Thăm khám và tư vấn

Bác sĩ sẽ thăm khám, đánh giá khuyết điểm ở vùng cằm của từng người. Sau đó tư vấn giải pháp phù hợp với sở thích và cấu trúc khuôn mặt của bạn. Tùy từng trường hợp có thể áp dụng tiêm chất làm đầy, độn cằm tự thân hoặc phẫu thuật trượt cằm,…

Bước 2: Chụp mô phỏng 3D và đo vẽ dáng cằm mới

Bạn sẽ được chụp mô phỏng 3D dáng cằm và đo vẽ dáng cằm mới. Trường hợp độn cằm bằng mỡ tự thân hoặc tiêm filler quá trình tư vấn sẽ nhanh hơn do mức độ xâm lấn thấp.

Bước 3: Gây mê hoặc gây tê

Trước khi độn cằm, bác sĩ sẽ tiến hành gây tê (tiêm filler, dùng mỡ tự thân) hoặc gây mê (phẫu thuật trượt cằm hoặc độn vật liệu nhân tạo) để quá trình thực hiện diễn ra thuận lợi. Đồng thời hạn chế tối đa cảm giác đau đớn, khó chịu cho khách hàng.

Bước 4: Tiến hành độn cằm

Tùy theo phương pháp độn cằm mà thời gian và cách thức thực hiện khác nhau. Thông thường, độn cằm không phẫu thuật sẽ khoảng 20 – 45 phút còn độn cằm cần phẫu thuật (sử dụng xương tự thân và chất liệu nhân tạo) có thể kéo dài từ 45 – 120 phút.

Bước 5: Chăm sóc sau phẫu thuật

Sau khi hoàn thành độn cằm bạn cần ở lại bệnh viện để bác sĩ theo dõi và kiểm tra. Với phương pháp độn cằm không phẫu thuật là 30 – 60 phút. Tuy nhiên trường hợp can thiệp phẫu thuật cần ở lại bệnh viện 24 – 48 giờ.

Bước 6: Tái khám và đánh giá kết quả

Sau 1 – 2 tuần kể từ khi thực hiện độn cằm bạn cần quay lại tái khám để cắt chỉ và đánh giá kết quả thẩm mỹ cũng như tiến độ hồi phục. Trước đó bác sĩ sẽ tư vấn biện pháp chăm sóc vết thương và sử dụng các loại thuốc nếu có.

Ưu điểm, hạn chế của phương pháp độn cằm

Ưu điểm

  • Khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, dị tật hay bất thường của cằm về hình dáng, kích thước. Nhờ đó tạo dáng cằm cân đối, hài hòa và phù hợp với đường nét khuôn mặt
  • Hiệu quả thẩm mỹ cao, mang đến cho bạn sự tự tin, khuôn mặt cuốn hút và rạng rỡ hơn
  • Chất liệu độn cằm đa dạng, bác sĩ sẽ tư vấn và tìm loại phù hợp để nhất với bạn, không nhất thiết là độn cằm silicon mà có thể tiêm filler, chỉnh sửa dáng cằm bằng xương và mỡ tự thân
  • Phẫu thuật hầu như không để lại sẹo vì vết cắt có thể được ẩn bên trong miệng
  • Thời gian thực hiện tương đối nhanh và cũng còn phụ thuộc vào từng dạng độn cằm
  • Hiệu quả độn cằm có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm, thậm chí là vĩnh viễn nếu chất liệu độn không bị đào thải (thường là với phương pháp độn bằng chất liệu tự thân) và chăm sóc đúng cách

Hạn chế

  • Không phải phù hợp với tất cả mọi người
  • Có thể gặp phải tác dụng phụ trong và sau quá trình thực hiện, cằm bị tê, sưng tím. Tuy nhiên, những tác dụng phụ này chỉ là tạm thời và sẽ biến mất sau một vài ngày.
  • Nguy cơ gặp rủi ro và biến chứng: có thể làm hỏng răng liền kề (do tiểu phẫu được thực hiện qua đường miệng), nhiễm trùng từ trong miệng, chảy máu kéo dài. Một số trường hợp bị lệch chất liệu cấy ghép, hoại tử cằm, tắc mạch, tê cứng khớp hàm,…
  • Chất liệu độn cằm nhân tạo có thể bị cơ thể đào thải
  • Kết quả phẫu thuật không như mong đợi, dáng cằm không tự nhiên, bị cộm, cằm dài hoặc bị lệch

Thực hiện độn cằm trong những trường hợp nào?

Độn cằm phù hợp thực hiện với cả nam giới và nữ giới trong những trường hợp sau:

  • Cằm lẹm
  • Cằm ngắn
  • Cằm không cân đối
  • Cằm bị tổn thương do tai nạn, chấn thương, phẫu thuật hỏng
  • Độn cằm cũng là lựa chọn cho bất cứ ai muốn sở hữu dáng cằm cân đối, hài hòa hơn với khuôn mặt

Có ai phải cũng độn cằm được?

Mặc dù độn cằm có nhiều ưu điểm, kỹ thuật thực hiện cũng ngày càng phát triển nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Phương pháp thẩm mỹ này “chống chỉ định” với những đối tượng sau:

  • Người dưới 18 tuổi: hệ xương và cơ thể chưa phát triển ổn định
  • Phụ nữ mang thai
  • Người bị rối loạn đông máu, tiểu đường, mắc các bệnh tim mạch
  • Người bị dị ứng với thuốc tê, thuốc gây mê
  • Người có tiền sử dị ứng filler, vật liệu nhân tạo chống chỉ định với độn cằm bằng filler và silicon
  • Người đang bị nhiễm trùng vùng mặt

Lời kết

Độn cằm là phương pháp thẩm mỹ hiện đại giúp bạn có được dáng cằm như mong muốn và hài hòa với đường nét khuôn mặt. Tuy nhiên, đa số mọi người chỉ biết đến ưu điểm mà chưa nắm rõ những mặt hạn chế, rủi ro và biến chứng. Vì vậy trước khi thực hiện bạn cần cân nhắc và tìm hiểu kỹ lưỡng những thông tin trên nhé!