Cổ họng bị sưng một bên hoặc cả hai bên không phải là tình trạng hiếm gặp. Ngoài những nguyên nhân như uống đồ lạnh, hút thuốc lá, hít phải khói bụi,…thì đây có thể là triệu chứng của nhiều căn bệnh nội khoa khác.

Sưng cổ họng biểu hiện như thế nào?

Sưng cổ họng là tình trạng niêm mạc họng bị viêm gây sưng, vướng víu, khó chịu và đau rát.

Dấu hiệu nhận biết cổ họng bị sưng:

  • Quan sát vùng cổ họng thấy niêm mạc họng đỏ, nóng và sưng hơn bình thường
  • Cổ họng sưng gây khó nuốt, nghẹn vướng kèm ngứa ngáy và nóng rát
  • Tình trạng sưng cổ họng có thể đi kèm với một số triệu chứng khác như khô họng, ho khan, ngạt mũi, khàn tiếng, đau rát,..

Nguyên nhân sưng cổ họng

Bệnh viêm họng

Bệnh viêm họng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây sưng đau cổ họng. Khi niêm mạc họng bị tổn thương do vi khuẩn, virus tấn công sẽ nhanh chóng rát đỏ, bạn dễ dàng quan sát thấy trong gương. Ngoài sưng cổ họng thì bệnh lý đường hô hấp này còn gây ra nhiều triệu chứng khác như cơ thể mệt mỏi, đau đầu, ngạt mũi, sưng hạch ở cổ,…

» Xem thêm: 9 cách trị viêm họng hiệu quả không cần dùng kháng sinh

Viêm thanh quản

Viêm thanh quản là bệnh lý đường hô hấp trên khiến cổ họng đau rát và sưng to. Trường hợp nghiêm trọng còn gây khô họng, ớn lạnh, khạc đờm, khàn tiếng,…Do thanh quản là cơ quan quan trọng trong việc phát âm nên người mắc viêm thanh quản thường mất tiếng, khàn giọng dai dẳng, kéo dài. Bệnh lý này thường xảy ra với những người thường xuyên hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia.

Viêm amidan

Amidan là tổ chức các tế bào lympho (còn gọi là tế bào bạch huyết) nằm ở phía dưới của lớp niêm mạc họng. Amidan có vai trò như một hàng rào miễn dịch vùng họng miệng đồng thời cũng là một trong những cơ quan tiếp xúc đầu tiên với tác nhân gây hại (vi khuẩn, bụi bẩn, tạp chất,…).

» Xem thêm: Amidan là gì? Triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa viêm amidan?

Do amidan có vị trí liền kề cổ họng nên tình trạng viêm nhiễm ở đây có thể nhanh chóng lây lan sang vùng họng khiến niêm mạc cổ họng bị sưng viêm. Quan sát cổ họng bạn sẽ thấy amidan (hai mô lớn ở hai bên thành họng và một vòng bạch huyết quanh vòm họng) bị sưng viêm, kích thước to hơn bình thường kèm theo cảm giác nóng rát.

Trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến hiện nay. Lượng axit dư thừa trong dạ dày trào ngược lên thực quản và cổ họng trong thời gian dài dẫn đến tình trạng ăn mòn niêm mạc họng, gây viêm nhiễm và loét cổ họng. Nếu người bệnh không phát hiện và điều trị sớm sẽ có nguy cơ chuyển biến thành viêm họng mãn tính.

» Xem thêm: 8 triệu chứng trào ngược dạ dày bạn chớ chủ quan

Bệnh truyền nhiễm cấp tính

Bệnh sởi

Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ do Paramyxovirus gây ra. Bệnh sởi khiến bệnh nhân sốt cao, viêm kết mạc kèm theo một số bệnh lý liên quan đến đường hô hấp như viêm thanh quản và bệnh viêm họng.

Bệnh chân tay miệng

Bệnh chân tay miệng là bệnh truyền nhiễm do enterovirus (với nhiều loại khác nhau như coxsackievirus, echovirus…) gây ra. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là các nốt mụn nước xuất hiện ở tay, chân và cả trong miệng khiến cổ họng bị sưng đau, khó chịu, vướng víu khi nhai nuốt.

Sưng cổ họng do thói quen xấu

Ngoài những nguyên nhân gây sưng cổ họng trên thì hiện tượng này cũng có thể xảy ra do:

  • Hút thuốc lá
  • Sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn
  • Thường xuyên uống nước đá hoặc ăn đồ ăn lạnh
  • La hét quá mức hoặc nói chuyện liên tục trong một thời gian dài
  • Không mang khẩu trang, không bảo vệ vùng mũi, miệng khiến cơ thể hít phải không khí lạnh
  • Hít nhiều bụi bẩn, sinh sống hoặc làm việc trong điều kiện môi trường ô nhiễm
  • Cổ họng bị kích ứng và sưng đau do thường xuyên ăn đồ ăn cay nóng
  • Cổ họng bị mắc xương cá, dị vật
  • Hiện tượng cổ họng bị sưng cũng có thể xảy ra do dị ứng phấn hoa, thời tiết hoặc dị ứng thực phẩm

Sưng cổ họng có nguy hiểm không?

Đa phần các trường hợp bị sưng cổ họng đều bắt nguồn từ những thói quen xấu trong lối sống, sinh hoạt hoặc do các bệnh lý, vấn đề về đường hô hấp. Cụ thể như bệnh viêm họng, viêm thanh quản, viêm amidan,…

Cổ họng bị sưng có nguy hiểm hay không phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ, diễn tiến của bệnh. Trường hợp người bệnh nhận biết sớm và đi thăm khám, điều trị thì các biểu hiện sưng cổ họng sẽ nhanh thuyên giảm. Ngược lại nếu bệnh kéo dài sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính, tình trạng nhiễm trùng có thể lan rộng sang những cơ quan lân cận, phát sinh biến chứng. Vì thế ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Cách khắc phục tình trạng sưng cổ họng

Uống trà bạc hà

Lá bạc hà có chứa chất kháng viêm, sát khuẩn, giảm ngứa ngáy, làm dịu vùng cổ họng bị sưng viêm. Đồng thời cải thiện tình trạng ứ đờm, ngứa và khó chịu ở cổ họng. Do đó, các bác sĩ khuyên rằng người bị sưng cổ họng nên uống từ 1 – 2 ly trà bạc hà ấm để nhanh khỏi bệnh.

Ngậm gừng tươi

Gừng tươi là nguyên liệu thiên nhiên thường có sẵn trong gian bếp của mỗi gia đình. Nếu không may xuất hiện các biểu hiện sưng đau cổ họng thì bạn có thể dùng ngay.

Gừng chứa hoạt chất Zingerol, Shogaol và Gingerol – những chất khả năng kháng khuẩn, chống viêm, tiêu đờm và ức chế các hoạt động của virus. Bạn có thể thái mỏng vài lát gừng tươi và ngậm dưới lưỡi để cải thiện chứng sưng họng, ho, khàn tiếng.

Uống nước chanh mật ong

Nước chanh giàu vitamin C và chất điện giải, kết hợp cùng mật ong cung cấp đa dạng các chất dinh dưỡng giúp phục hồi cơ thể, tăng sức đề kháng. Ngoài ra cũng bù nước, bù khoáng, cân bằng điện giải, nâng cao hệ miễn dịch. Không chỉ khi bị sưng họng, nếu mắc các bệnh về đường hô hấp hay bệnh truyền nhiễm cấp tính thì bạn nên uống nước chanh ấm pha mật ong để nhanh phục hồi thể trạng.

Làm thế nào để phòng tránh sưng cổ họng?

  • Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là khi trời trở lạnh và thời điểm giao mùa
  • Mang khẩu trang khi ra ngoài là cách để bạn bảo vệ bản thân khỏi những bệnh lây truyền qua đường hô hấp
  • Uống đủ nước mỗi ngày, từ 2 – 2.5 lít sẽ giúp cổ họng đủ độ ẩm, trơn tru, giảm ngứa rát
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, nên dùng nước muối sinh lý hoặc các sản phẩm chăm sóc răng miệng để oại bỏ vi khuẩn và virus gây hại
  • Vệ sinh không gian sống thường xuyên, tránh hít phải bụi bẩn và dị vật gây kích ứng niêm mạc họng
  • Rửa tay sạch sẽ với xà phòng diệt khuẩn sau khi hắt hơi, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh hay tiếp xúc với những vật dụng công cộng
  • Xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh, từ bỏ những thói quen xấu
  • Tránh ăn thực phẩm cay nóng hoặc đồ quá lạnh
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, cân bằng, bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, axit béo omega-3, khoáng chất…
  • Luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe tổng thể, phòng ngừa bệnh tật

Lời kết

Hiện tượng sưng cổ họng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dù vì bất kỳ nguyên nhân gì thì bạn cũng không nên chủ quan mà cần sớm có biện pháp khắc phục, tốt hơn là đến gặp bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp, tránh bệnh diễn tiến phức tạp và gây ra biến chứng nguy hiểm.