Sử dụng lá tắm cho trẻ sơ sinh là phương pháp dân gian được ông cha lưu truyền từ xa xưa. Đến nay vẫn được mọi người áp dụng phổ biến bởi độ lành tính, an toàn của các loại thảo mộc thiên nhiên, vừa giúp làm sạch da, mát da, cải thiện tình trạng mẩn ngứa, rôm sảy, hăm tã,…

Top 8 loại lá tắm cho trẻ sơ sinh an toàn, dễ kiếm

Lá chè xanh

Khi nhắc đến các loại lá tắm cho trẻ nhỏ thì phải nhắc đến đầu tiên là lá chè xanh. Thành phần của lá chè xanh có chứa chất catechin có tác dụng kháng khuẩn, diệt vi khuẩn có hại cho da. Đồng thời tanin trong chè xanh là một chất chống oxy hóa mạnh, bảo vệ các tế bào da.

Chính vì vậy, sử dụng nước trà xanh tắm cho trẻ không chỉ giúp làm sạch bụi bẩn, bã nhờn và tế bào chết trên da mà còn cải thiện tốt các triệu chứng ngứa ngáy, mẩn đỏ da do hăm tã, rôm sảy, côn trùng đốt.

Cách thực hiện:

  • Lấy một nắm lá chè xanh tươi (khoảng 300g) rửa sạch, vò nát
  • Đun sôi lá chè xanh với nước trong vòng 30 phút, thêm chút muối hạt và để nguội
  • Dùng nước này tắm cho trẻ như bình thường hoặc dùng khăn mềm thấm nước lau lên vùng da bị mẩn ngứa rồi tắm lại với nước sạch

Lá trầu không

Lá trầu không được coi là một loại kháng sinh tự nhiên giúp tiêu viêm, sát trùng, kháng khuẩn rất tốt. Sử dụng loại lá này để tắm cho bé còn hỗ trợ điều trị một số bệnh da liễu thường gặp ở trẻ nhỏ như dị ứng, viêm da cơ địa, nổi mụn mủ,…

Cách thực hiện:

  • Lấy 10 lá trầu không rửa sạch, ngâm với nước muối pha loãng rồi rửa lại với nước
  • Thái mỏng lá trầu không, đun sôi trong vòng 45 phút để các chất sát khuẩn trong lá tiết ra
  • Pha nước lá trầu với nước ấm để tắm cho trẻ

Mướp đắng

Mướp đắng (khổ qua) vừa là nguyên liệu để chế biến món ăn ngon, vừa là một vị thuốc, một loại thảo dược trong Đông y. Mướp đắng có chứa các chất có tính sát khuẩn cao, làm mát da, đem lại cảm giác dễ chịu thoải mái. Hơn nữa còn giúp trẻ có làn da mịn màng, trắng trẻo.

Cách thực hiện:

  • Lấy 1 trái mướp đắng rửa sạch, thái nhỏ, xay nhuyễn hoặc giã nát rồi lọc lấy nước
  • Dùng nước mướp đắng để tắm cho bé. Lưu ý trước đó nên thoa thử lên da tay hoặc da chân của bé. Nếu 20 – 30 phút sau không có hiện tượng kích ứng hay dấu hiệu bất thường thì tắm toàn thân

Lá sài đất

Nhiều người khi nghe cái tên sài đất thấy khá xa lạ nhưng thực tế đây lại là lá tắm cho trẻ sơ sinh có nhiều công dụng rất tốt. Sài đất có tính mát, thanh nhiệt giải độc, kháng khuẩn, tiêu diệt các vi khuẩn cộng sinh trên da. Bởi vậy, loại thảo mộc này được ưa chuộng để cải thiện triệu chứng bệnh rôm sảy, mụn nhọt, lở loét ngoài da.

» Xem thêm: Cách trị rôm sảy cho trẻ nhỏ bằng nguyên liệu tự nhiên

Cách thực hiện:

  • Lấy 200g lá sài đất rửa sạch, ngâm nước muối loãng rồi rửa lại, để ráo
  • Vò nát lá sài đất, đun sôi với 2 lít nước rồi lọc bã, pha với nước ấm để tắm cho trẻ sơ sinh

Lá kinh giới

Lá kinh giới không chỉ là một loại rau gia vị mà còn là một loại thảo dược. Mặc dù hiện nay các sản phẩm sữa tắm cho trẻ nhỏ rất đa dạng nhưng nhiều bà mẹ vẫn thích dùng lá kinh giới nấu nước tắm bởi sự an toàn, lành tính, dễ tìm mua lại rẻ tiền.

Trong lá kinh giới có chứa nhiều vitamin và khoáng chất có công dụng kháng khuẩn, chống oxy hóa, giúp lỗ chân lông thông thoáng. Nhờ vậy trị rôm sảy, viêm da cơ địa hiệu quả.

Cách thực hiện:

  • Lấy một nắm lá kinh giới rửa sạch, xay nhuyễn hoặc giã nát rồi lọc lấy nước
  • Dùng nước lá kinh giới pha với nước ấm để tắm cho bé
  • Ngoài lá kinh giới tươi thì bạn cũng có thể phơi khô lá kinh giới để dùng dần. Mỗi lần lấy một nắm lá khô cho vào nước đun sôi, lọc bã rồi pha với nước mát tắm cho bé

Lá khế chua

Cách nấu nước lá tắm cho trẻ sơ sinh bằng lá khế chua rất đơn giản, nhanh chóng mà đem lại công dụng bất ngờ. Trong lá khế chứa chứa nhiều vitamin C, chất chống oxy hóa cùng các khoáng chất khác như sắt, kẽm, magie,…hỗ trợ tốt với các bé gặp vấn đề về dị ứng, mẩn ngứa, viêm da cơ địa.

Cách thực hiện:

  • Lấy một nắm lá khế chua rửa sạch, ngâm với nước muối, rửa kĩ nhiều lần vì lá khế có thể bám lông sâu
  • Vò sơ lá khế rồi đem đun sôi với 2 lít nước
  • Lọc bỏ bã, pha với nước mát rồi tắm cho bé

Với phương pháp này, phụ huynh lưu ý chỉ nên thực hiện 2 – 3 lần/tuần, không nên lạm dụng. Lý do là vì trong lá khế có nhiều nhựa có thể khiến làn da của bé bị xỉn màu. Tuy nhiên áp dụng vài lần bạn sẽ thấy các triệu chứng mẩn ngứa, rôm sảy cải thiện rõ rệt.

Lá rau má

Rau má là loại thảo mộc lành tính, thanh nhiệt giải độc, sát trùng, giúp phục hồi vết thương, kích thích sản sinh tế bào để vết thương mau lên da non. Đồng thời đây cũng là loại lá tắm cho trẻ được sử dụng phổ biến.

Cách thực hiện:

  • Lấy một nắm rau má (chọn loại lá không quá non cũng không quá già), rửa sạch, để ráo
  • Đem đun sôi rồi lọc bã, pha với nước mát để tắm cho trẻ
  • Tắm lại bằng nước ấm để tránh các vụn lá còn sót gây ngứa cho bé

Lá tía tô

Tía tô là loại cây thuộc họ bạc hà, không chỉ là vị thuốc giải cảm, chữa ho, nguyên liệu làm đẹp mà còn được dùng làm nước tắm. Cho trẻ sơ sinh tắm lá tía tô sẽ giúp bé ra nhiều mồ hôi, trị nấm da, ngứa da. Hơn nữa, tinh dầu trong lá sẽ tỏa mùi hương thơm dịu giúp bé con thấy thoải mái hơn.

Cách thực hiện:

  • Lá tía tô ngâm nước muối, rửa sạch
  • Cho lá tía tô cùng 100ml nước xay nhuyễn, lọc bỏ bã
  • Pha nước tía tô với nước ấm, tắm cho trẻ rồi tắm lại với nước sạch

Ngoài cách trên nếu bạn muốn tiết kiệm thời gian thì có thể cho lá tía tô vào túi lưới, thả vào nước đun sôi. Khi đun xong chỉ cần nhấc túi bã ra, không mất thời gian xay hay lọc bã. Tuy nhiên với cách tắm nước lá tía tô cha mẹ lưu ý không thực hiện khi da bé bị trầy xước, ghẻ lở, viêm da.

Lưu ý khi dùng lá tắm cho trẻ sơ sinh

  • Ưu tiên chọn các loại lá mà bạn biết rõ nguồn gốc
  • Ngâm nước muối, rửa sạch lá nhiều lần trước khi dùng để nấu nước tắm cho trẻ. Rất nhiều loại lá cây hiện nay bị nhiễm bẩn do môi trường hoặc tồn đọng hàm lượng chất bảo vệ thực vật.
  • Làn da của trẻ nhỏ rất mỏng manh và nhạy cảm. Hơn nữa mỗi bé có đặc điểm làn da khác nhau, không phải trẻ nào cũng phù hợp với các loại nước lá tắm. Do vậy bạn nên thử trước trên một vùng da nhỏ. Nếu sau 30 phút – 1 tiếng không thấy dấu hiệu bất thường như nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy thì có thể dùng để tắm toàn thân cho trẻ
  • Tuyệt đối không tắm nước lá trong trường hợp bé đang có các vết thương hở, sưng viêm trên da để tránh nhiễm khuẩn nghiêm trọng hơn
  • Khi tắm, cần nhẹ nhàng, tránh chà xát để không gây tổn thương da cho trẻ
  • Chỉ nên tắm nước lá cho trẻ 2 – 3 lần/ tuần, không nên lạm dụng vì có thể gây mất cân bằng pH của da
  • Sau khi tắm xong luôn tắm lại cho trẻ bằng nước ấm và lau khô người, mặc quần áo chất liệu mềm mại, thấm hút tốt
  • Mẹ có thể kết hợp giữa việc tắm nước lá và sử dụng các sản phẩm sữa tắm cho trẻ để mang lại hiệu quả chăm sóc da tốt nhất

» Tham khảo: Top 7 sữa tắm cho trẻ làm sạch dịu nhẹ được yêu thích nhất

Lời kết: Sử dụng lá tắm cho trẻ sơ sinh có những ưu điểm và hiệu quả nhất định. Tuy nhiên cũng còn mặt hạn chế như vấn đề vệ sinh, nguồn gốc sản xuất,…Vì thế phụ huynh nên tìm hiểu kỹ trước khi thực hiện. Ngoài ra có thể tham khảo những sản phẩm sữa tắm cho trẻ nhỏ dịu nhẹ, lành tính đang rất được ưa chuộng trên thị trường. Hy vọng ba mẹ luôn chăm sóc cho làn da của bé sạch sẽ, khỏe mạnh!