Với sự phát triển của nền Y học hiện đại, các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn đã không còn quá lo lắng vì đã có những phương pháp hỗ trợ sinh sản với tỷ lệ thành công cao, đem lại kết quả viên mãn. Trong đó chắc chắn phải kể đến thụ tinh trong ống nghiệm.

Thụ tinh ống nghiệm là gì?

Thụ tinh ống nghiệm (In Vitro Fertilization – IVF) là phương pháp hỗ trợ sinh sản được thực hiện bằng cách cho trứng và tinh trùng thụ tinh bên ngoài cơ thể (trong ống nghiệm). Khi trứng và tinh trùng kết hợp thành công tạo thành phôi thai sẽ chuyển vào buồng tử cung của nữ giới. Phôi thai sẽ làm tổ trong tử cung và phát triển thành thai nhi như trong các trường hợp thụ thai tự nhiên. Nói cách khác, thụ tinh trong ống nghiệm cũng là một dạng của thụ tinh nhân tạo.

Tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh ống nghiệm

Thụ tinh ống nghiệm được đánh giá là phương pháp hỗ trợ sinh sản có tỷ lệ thành công cao nhất hiện nay. Theo thống kê, tỷ lệ này tại Việt Nam ở khoảng 35 – 40%.

Tỷ lệ thành công của IVF còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Chức năng sinh sản của 2 vợ chồng: trường hợp chỉ có vợ hoặc chồng gặp bất thường về khả năng sinh sản sẽ có khả năng thụ thai thành công cao hơn so với cả hai vợ chồng đều gặp vấn đề về sinh sản
  • Tuổi tác: tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh ống nghiệm IVF phụ thuộc phần lớn vào độ tuổi của người vợ. Tỷ lệ thành công sẽ giảm theo độ tuổi của người vợ, cụ thể giảm từ 2 – 10% đối với phụ nữ trên 40 tuổi.
  • Tình trạng sức khỏe tổng thể: hai vợ chồng đều cần có sức khỏe tốt để đảm bảo quá trình lấy thực hiện thụ tinh ống nghiệm thuận lợi. Nếu người vợ nhẹ cân, sức khỏe yếu hoặc mắc các bệnh lý nội khoa sẽ có khả năng mang thai thấp hơn so với người khỏe mạnh bình thường
  • Cơ sở y tế thực hiện và trình độ chuyên môn của bác sĩ: ngoài những yếu tố chủ quan thì IVF đòi hỏi được thực hiện tại trung tâm y tế uy tín, cơ sở vật chất và thiết bị máy móc hiện đại cũng như bác sĩ giàu kinh nghiệm có trình độ chuyên môn cao

Thụ tinh ống nghiệm được thực hiện trong những trường hợp nào?

Thụ tinh trong ống nghiệm là kỹ thuật xâm lấn phức tạp, mất nhiều chi phí và ảnh hưởng lớn đến tâm lý của hai vợ chồng, đặc biệt là với người vợ. Vì vậy phương pháp này thường được chỉ định trong các trường hợp bất khả kháng, cụ thể là:

  • Phụ nữ bị tổn thương hoặc tắc nghẽn cả 2 vòi trứng
  • Không có ống dẫn trứng hoặc ống dẫn trứng bị tắc
  • Giảm chức năng buồng trứng, suy buồng trứng dẫn đến không thể thụ tinh
  • Lạc nội mạc tử cung
  • U xơ tử cung: trứng khó làm tổ trong lòng tử cung và hầu như không thể mang thai tự nhiên
  • Phụ nữ bị ung thư cổ tử cung có thể trữ đông trứng để thụ tinh khi mong muốn
  • Vô sinh do tổn thương vùng chậu, thụ tinh nhân tạo thất bại hay vô sinh không rõ nguyên nhân
  • Nam giới có chất lượng tinh trùng kém hoặc bất thường về hình dạng của tinh trùng
  • Nam giới gặp phải các rối loạn về xuất tinh như không xuất tinh và xuất tinh ngược
  • Các cặp vợ chồng cũng có thể chọn phương pháp thụ tinh ống nghiệm IVF nếu họ có nguy cơ rối loạn di truyền sang con cái

Quy trình thụ tinh nhân tạo

Bước 1: Thăm khám và đánh giá sức khỏe sinh sản

Cả hai vợ chồng sẽ được thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm đánh giá khả năng sinh sản.

Xét nghiệm ở người vợ:

  • Xét nghiệm nội tiết
  • Xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục (viêm gan B, giang mai, Chlamydia, HIV,…)
  • Siêu âm phụ khoa nhằm phát hiện các bệnh lý phụ khoa ảnh hưởng đến quá trình thụ tinh (u nang buồng trứng, u xơ tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang,…)

Xét nghiệm ở người chồng:

  • Xét nghiệm tinh dịch đồ
  • Xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục
  • Một số xét nghiệm khác (siêu âm phần bìu, đo định lượng nội tiết sinh dục trong trường hợp tinh dịch không chứa tinh trùng).

Bước 2: Kích trứng

Kích thích buồng trứng nhằm mục đích tạo ra nhiều nang noãn và hình thành các trứng tốt. Kích trứng được thực hiện liên tục trong 9 – 11 ngày. Bác sĩ sẽ sử dụng một số loại thuốc hỗ trợ. Sau khi nang noãn đạt kích thước theo yêu cầu, người phụ nữ sẽ được tiêm mũi thuốc cuối cùng đúng giờ để kích thích trứng trước khi tiến hành chọc hút.

Bước 3: Chọc hút trứng và lấy tinh trùng

Việc chọc hút trứng được tiến hành qua đường âm đạo vào khoảng 36 – 40 giờ sau mũi tiêm thuốc cuối cùng, thời gian thực hiện chỉ từ 15 – 20 phút. Trường hợp không thể chọc hút trứng qua âm đạo, bác sĩ có thể nội soi ổ bụng để lấy trứng. Sau giai đoạn này người vợ cần ở lại bệnh viện 2 – 3 giờ để theo dõi sức khỏe.

Cùng lúc này, người chồng cần lấy tinh trùng hoặc lấy mẫu tinh trùng đã được đông lạnh trước đó để chuẩn bị cấy phôi. Tinh trùng được chọn lọc, loại bỏ các tinh trùng dị dạng, tạp chất và vi sinh vật có trong tinh dịch.

Bước 4: Thụ tinh và tạo phôi

Trứng và tinh trùng được chuyển đến phòng thí nghiệm để tiến hành thụ tinh và tạo phôi. Phôi sẽ được nuôi cấy bên ngoài cơ thể trong 2 – 5 ngày trước khi chuyển vào buồng tử cung của người vợ. Trong thời gian này, người vợ sẽ được dùng thuốc đường uống và đặt âm đạo để chuẩn bị cho quá trình chuyển phôi.

Bước 5: Chuyển phôi

Bác sĩ sẽ thông báo về số lượng, chất lượng phôi được tạo thành cho các cặp đôi. Khi niêm mạc tử cung đạt yêu cầu, thuận lợi cho sự làm tổ và phát triển của phôi, bác sĩ sẽ chuyển phôi vào buồng tử cung. Trường hợp tạo nhiều phôi có thể trữ đông và sử dụng về sau khi có nhu cầu sinh con. Sau khi chuyển phôi hoàn thành, người vợ cần nằm nghỉ tại bệnh viện trong 2 – 4 giờ để theo dõi và kiểm tra sức khỏe.

Trong thời gian 2 tuần sau chuyển phôi, người vợ tiếp tục sử dụng các loại thuốc nội tiết và nghỉ ngơi, sinh hoạt theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Trường hợp chuyển phôi trữ đông, người vợ sẽ được siêu âm, sử dụng thuốc trong vòng 14 – 18 ngày và bác sĩ sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp để chuyển phôi.

Bước 6: Kiểm tra kết quả

Sau 2 tuần chuyển phôi, người vợ đến bệnh viện để thực hiện xét nghiệm kiểm tra kết quả. Nồng độ beta HCG sau 2 tuần chuyển phôi nếu ở mức > 25 IU/l được xác định là có thai. Người vợ sẽ được bác sĩ thăm khám và tư vấn dưỡng thai trong suốt thai kỳ. Nếu IVF chưa thành công thì cặp vợ chồng cần quay lại thực hiện vào thời gian thích hợp tiếp theo.

Thụ tinh trong ống nghiệm có ưu, nhược điểm gì?

Ưu điểm

  • Tỷ lệ thành công cao
  • Có thể thực hiện đối với nam giới không có tinh trùng trong tinh dịch
  • Nữ giới bị tổn thương hoặc phải cắt bỏ hoàn toàn 2 vòi trứng vẫn có khả năng mang thai

Hạn chế

  • Chi phí cao
  • Rủi ro cao hơn so với thụ tinh nhân tạo
  • Một số cặp vợ chồng phải chuyển phôi nhiều lần và dễ bị ám ảnh tâm lý

Rủi ro khi thực hiện thụ tinh ống nghiệm

Mang đa thai

Mang đa thai là rủi ro thường gặp của các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Để tăng khả năng mang thai bác sĩ thường chuyển nhiều hơn 1 phôi vào buồng tử cung. Do đó, một số trường hợp có thể phát triển nhiều hơn 1 thai. Mang đa thai đi kèm với nhiều rủi ro và biến chứng như tăng nguy cơ sinh non, trẻ sinh ra nhẹ cân, ốm yếu, cơ thể thai phụ suy nhược, khó đẻ thường,…

Hội chứng quá kích buồng trứng

Trong quá trình thực hiện thụ tinh nhân tạo, bác sĩ sẽ tiêm các loại thuốc kích trứng để làm chín nang noãn. Ngoài tác dụng tăng số lượng nang noãn, các loại thuốc kích trứng còn gây phì đại buồng trứng, dẫn đến đau bụng dưới, buồn nôn, tiêu chảy,…Hội chứng này thường xảy ra ở nữ giới có cân nặng thấp, gầy yếu, tuổi quá trẻ và bị hội chứng buồng trứng đa nang.

Một số biến chứng khác

  • Dễ sảy thai hơn so với mang thai tự nhiên
  • Thai ngoài tử cung
  • Rối loạn chức năng gan, tràn dịch mang thai, hạ huyết áp, suy hô hấp,

Lời kết

Mặc dù thụ tinh ống nghiệm là phương pháp hỗ trợ sinh sản có tỷ lệ thành công cao nhất hiện nay nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, biến chứng cũng như nhiều vấn đề liên quan đến chi phí, ám ảnh tâm lý mỗi lần chọc hút trứng đối với người phụ nữ,…Bởi vậy các cặp vợ chồng nên cân nhắc cũng như nhờ sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa trước khi thực hiện.