Nhận thức, hành vi và mọi hoạt động của con người đều được kiểm soát bởi hệ thần kinh. Do đó, mọi vấn đề xảy ra với hệ thống này đều khiến mọi người đặc biệt quan tâm. Một trong những bệnh lý đó là bệnh động kinh do hoạt động của não bị thay đổi.

Bệnh động kinh là gì?

Bệnh động kinh (Epileptic) dân gian thường gọi là giật kinh phong, là bệnh lý xảy ra do hệ thống thần kinh trung ương bị rối loạn khiến hoạt động của não bị thay đổi. Vì thế dẫn đến co giật, trục trặc ở não bộ, mất kiểm soát hành vi, đôi khi là mất nhận thức trong một thời gian ngắn.

Bệnh động kinh có thể tồn tại ở nhiều dạng khác nhau. Một số cơn động kinh là vô hại. Tuy nhiên cũng có rất nhiều trường hợp cơn động kinh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống thường ngày của người bệnh.

Mặc dù vậy, ước tính có đến 70% người bệnh có thể sống bình thường mà không lên cơn động kinh nếu được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Ngược lại nếu không được kiểm soát và điều trị dứt điểm thì bệnh động kinh có nguy cơ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.

Bệnh động kinh có di truyền không?

Bệnh lý thần kinh này có mang tính chất di truyền. Nếu bố hoặc mẹ mắc bệnh thì tỷ lệ lây truyền sang con cao hơn mức bình thường. Những người sống trong gia đình có ông bà, người thân có tiền sử động kinh thì cũng có nguy cơ gặp phải bệnh lý này. Tình trạng bệnh ở trẻ nhỏ thường phổ biến hơn so với người lớn.

Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân khác dẫn tới chứng giật kinh phong. Mọi đối tượng, lứa tuổi, giới tính đều có thể gặp phải. Vì vậy bạn không nên chủ quan.

Nguyên nhân gây bệnh động kinh

Yếu tố di truyền

Như đã nói ở trên, bệnh động kinh có tính chất di truyền giữa những người có quan hệ huyết thống. Nghiên cứu đã chỉ ra sự liên kết một số dạng bệnh động kinh với các gen cụ thể. Tuy nhiên, gen chỉ là yếu tố có thể tác động, khiến người bệnh nhạy cảm hơn với môi trường có thể gây ra những cơn co giật.

Chấn thương não bộ

Tai nạn nghiêm trọng hoặc chấn thương vùng đầu ảnh hưởng tới não bộ cũng là nguyên nhân gây bệnh động kinh. Đối với thai nhi còn trong bụng mẹ, nếu não của bé gặp phải những chấn thương như thiếu oxy, thiếu chất dinh dưỡng hay tổn thương não bộ do mẹ bị nhiễm trùng,… sẽ rất dễ dẫn đến chứng giật kinh phong trong tương lai hoặc bệnh bại não.

» Xem thêm: Bại não là gì? Có điều trị được không? Nguyên nhân và cách phòng ngừa?

Các bệnh lý gây tổn thương não bộ

Một số trường hợp xuất hiện khối u trong não, chèn ép các dây thần kinh hoặc đột quỵ gây rối loạn hệ thần kinh trung ương khiến hoạt động não có nhiều thay đổi đều có thể gây ra động kinh. Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây động kinh ở người trưởng thành trên 35 tuổi.

Bệnh do nhiễm trùng

Một số bệnh như viêm màng não, viêm não, viêm não Nhật Bản, AIDS do virus, vi khuẩn tấn công não cũng là nguyên nhân dẫn đến giật kinh phong.

Rối loạn phát triển

Bệnh động kinh đôi khi có liên quan đến các rối loạn phát triển. Chẳng hạn như bệnh tự kỷ, u sợi thần kinh.

Một số nguyên nhân khác

  • Trẻ nhỏ khi sốt cao, cao giật kéo dài cũng dễ ảnh hưởng tới hệ thần kinh và gây ra bệnh lý này.
  • Sử dụng nhiều chất kích thích, uống rượu bia, hút thuốc lá,…hay thói quen sử dụng thuốc chống trầm cảm cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh động kinh

Triệu chứng bệnh động kinh

Tùy vào thể bệnh động kinh mà người bệnh có những triệu chứng, biểu hiện khác nhau.

Triệu chứng bệnh động kinh khu trú

Động kinh khu trú là bệnh động kinh xảy ra chỉ do một phần não bộ.

  • Động kinh khu trú nhưng không mất ý thức (dạng đơn giản): người bệnh có những thay đổi trong cảm xúc hay giác quan (khi nhìn, ngửi, nếm, nghe hoặc cảm nhận những thứ xung quanh). Đôi khi cơn động kinh gây hoa mắt, chóng mặt, co giật ở tay, chân,…
  • Động kinh khu trú có mất ý thức (dạng phức tạp): người bệnh có thể bị thay đổi nhận thức hoặc mất nhận thức, nhìn chằm chằm vào không gian và không phản ứng với môi trường như người khác, đôi khi thực hiện các động tác lặp đi lặp lại như xoa tay vào nhau, nhai, nuốt hay đi theo vòng tròn

Triệu chứng bệnh động kinh toàn thể

Động kinh toàn thể là dạng bệnh động kinh xảy ra trên toàn bộ não bộ, ở tất cả các vùng của não.

  • Cơn động kinh vắng ý thức: nhìn chằm chằm vào một khoảng không hoặc có những chuyển động nhỏ như chớp mắt, máy môi
  • Cơn động kinh co cứng: một số bộ phận của cơ thể như lưng, cánh tay, chân,…bị co cứng có thể khiến người bệnh bị té ngã
  • Cơn động kinh mất trương lực cơ: mất kiểm soát cơ bắp, dễ bị ngã đột ngột
  • Cơn động kinh co giật
  • Cơn động kinh giật cơ
  • Cơn động kinh co cứng – co giật

Bệnh động kinh nguy hiểm như thế nào?

  • Người mắc bệnh động kinh nếu không có phương pháp kiểm soát và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí dẫn đến biến chứng.
  • Đối với trẻ sơ sinh: nguy cơ xuất huyết não, rối loạn chuyển hóa, dị tật bẩm sinh, nhiễm trùng hệ thần kinh,…
  • Tình trạng động kinh kéo dài sẽ khiến cho bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim, ngừng thở, mất ý thức,…
  • Phụ nữ mắc động kinh dễ rối loạn kinh nguyệt còn nam giới sử dụng thuốc động kinh sẽ giảm ham muốn tình dục, ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng. Do đó người bệnh động kinh có nguy cơ cao hiếm muộn, vô sinh
  • Cơn động kinh gây co giật, rối loạn nhịp tim kèm theo tức ngực, khó thở làm tăng nguy cơ tử vong
  • Bệnh động kinh còn gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, cản trở quá trình chuyển hóa thức ăn. Người bệnh thường gặp phải các triệu chứng như buồn nôn, ói mửa, khó tiêu, đau bụng gây suy kiệt sức khỏe

Lời kết

Bệnh động kinh có thể kiểm soát và giúp người bệnh có cuộc sống bình thường với điều kiện điều trị sớm theo đúng phác đồ. Nhiều trường hợp có thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Do đó, người bệnh cần sớm đến cơ sở y tế thăm khám và có biện pháp can thiệp, tránh những hệ quả xấu xảy ra.

THAM VẤN Y KHOA: DƯỢC SĨ HÀ HẰNG